Thứ 4, 08/05/2024, 04:01[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 3, 25/02/2014 | 19:27:16
1,115 lượt xem
Sáng ngày 25/2, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kết quả triển khai cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ðồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thành phố.

Ðồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư. Ảnh: Quốc Cường

 

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp, thương mại như: chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, phát triển nghề, làng nghề, phát triển sản xuất giống ngao sinh sản và chế biến ngao; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn; chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại... Các chính sách của tỉnh đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút và huy động các nguồn vốn vào phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Ðến nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 90%, trong đó sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02/BYT chiếm trên 40%. Tổng số xã, phường, thị trấn cơ bản được sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung gồm 10 phường, 9 thị trấn, 98 xã. Phấn đấu đến hết năm 2015, 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch.

 

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Ðối với cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại cần tiếp tục chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật và các địa phương xung quanh để có chính sách thu hút đầu tư theo tinh thần cạnh tranh đúng pháp luật. Chú ý đầu tư hơn tới phát triển nghề và làng nghề, nhất là những nghề đang phát triển. Nghiên cứu thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ðối với cơ chế, chính sách thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải nghiên cứu lại đối với khu chăn nuôi tập trung, nên chuyển sang khuyến khích các trang trại quy mô lớn. 

 

Về triển khai cấp nước sạch nông thôn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp chuẩn bị báo cáo lại cho hoàn chỉnh đồng thời xây dựng thành một đề án về cung cấp nước sạch. Sở Kế hoạch và Ðầu tư kết hợp với Sở Tài chính tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý các công trình nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Ðối với các công trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thiện, tiến độ chậm phải dừng đầu tư vốn và xem xét giới thiệu các nhà đầu tư vào tiếp quản. Với các công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động, các địa phương phải có biện pháp chỉ đạo để khắc phục đưa vào hoạt động. Ðối với những xã lẻ chưa có chấp thuận, khi triển khai dự án cấp nước sạch sẽ quy hoạch xen ghép với các dự án của các xã kề bên, không xây mới. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch một số hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Chiều ngày 25/2, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ðồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H7N9, H5N1) ở người chủ trì cuộc họp.

 

Hiện nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh trong cả nước đồng thời dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng rất cao. Mặc dù diễn biến dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trong tỉnh vẫn tương đối an toàn, song để chủ động ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H5N1, H7N9) ở người. Ðồng thời xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình năm 2014. Hai kế hoạch trên đã chú trọng các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trong điều kiện chưa có dịch xảy ra và khi có dịch xảy ra. Ban chỉ đạo của tỉnh sẽ là đầu mối chung, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm.

 

Sau khi nghe các đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố ngay trong tuần này phải kiện toàn ban chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ðồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể như việc thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh, ký cam kết không vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc với các chủ đò ngang, chủ cơ sở giết mổ, các hộ kinh doanh... Tăng cường quản lý nguồn gốc gia cầm, sản phẩm gia cầm bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh và ở nơi khác vận chuyển vào địa phương, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc khi có kết quả dương tính với chủng vi rút cúm A và dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp tham mưu, đề xuất với tỉnh về quy định số lần lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm theo hướng tăng tần suất, số lượng và mở rộng địa điểm; cơ chế xử lý vi phạm; cân đối nguồn vật tư dự trữ để bảo đảm chủ động cung cấp đủ cho các địa phương khi có dịch bệnh xảy ra...

Thu Thủy – Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày