Thứ 5, 08/08/2024, 08:22[GMT+7]

Chào mừng Thành phố Thái Bình đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình Thành phố Thái Bình năng động hội nhập và phát triển

Thứ 2, 24/03/2014 | 08:28:06
5,919 lượt xem
Ngày 6/9/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhân dân và cán bộ Thành phố Thái Bình vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2418/QĐ-TTg về việc công nhận Thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình. Đây là vinh dự lớn cũng là thời cơ để Thành phố Thái Bình tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành đô th

Khu trung tâm Thành phố Thái Bình được quy hoạch và xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Thành Tâm

Thái Bình là tỉnh ven biển, nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 50km bờ biển. Đây cũng là vùng hạ lưu của sông Hồng, huyết mạch giao thông đường thủy và hàng hải quan trọng, tiếp giáp với tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc đồng thời là tỉnh có số dân đứng thứ 9 cả nước... Đó chính là tiềm năng, lợi thế để Thái Bình khai thác phát triển phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ từng mong muốn.

Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của tỉnh là Thành phố Thái Bình. Đây còn là nơi tập trung các khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã khẳng định Thành phố Thái Bình là đô thị có vai trò thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ của tỉnh mà còn cả với khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thành phố Thái Bình xưa là vùng Kỳ Bố hải khẩu, được hình thành từ khá lâu, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Xuất phát là vùng cửa biển, sau đó được phù sa bồi tụ thành đất liền. Nơi đây có vị trí trọng yếu về kinh tế và quân sự, giao thông thủy - bộ thuận lợi, đất đai màu mỡ. Vào thế kỷ thứ X, địa danh Kỳ Bố hải khẩu được tướng quân Đinh Bộ Lĩnh chọn làm căn cứ địa để đánh dẹp loạn 12 sứ quân.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thị xã Thái Bình là cái nôi cách mạng, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Thái Bình vào năm 1929. Ngày 30/6/1954, Thị xã Thái Bình hoàn toàn được giải phóng. Hòa bình lập lại, Thị xã tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, trở thành hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Năm 1999, Đảng bộ và nhân dân Thị xã Thái Bình vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Để xứng tầm với đô thị hạt nhân của tỉnh và cả vùng, ngay từ năm 1970, Thị xã Thái Bình đã được nước bạn Bungari giúp xây dựng quy hoạch. Năm 1973, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế và đồ án thiết kế quy hoạch Thị xã Thái Bình. Năm 1996, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Thị xã Thái Bình với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội Thị xã Thái Bình giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng Thị xã trở thành đô thị loại III. Ý thức rõ vai trò, tránh nhiệm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự giúp đỡ tích cực của tỉnh, năm 2003 Thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III. Một năm sau đó (năm 2004) Chính phủ đã có nghị định  thành lập Thành phố Thái Bình trực thuộc tỉnh Thái Bình. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, năm 2007 Chính phủ đã ban hành nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư và Đông Hưng để mở rộng Thành phố Thái Bình. Đến nay, Thành phố Thái Bình có tổng diện tích 6.771ha với 19 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 9 xã, dân số khoảng 200.000 người.

Nhận thức rõ vị trí chiến lược, vai trò đầu tàu tạo động lực phát triển cho tỉnh và cả vùng, năm 2007 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Thái Bình giai đoạn 2007 - 2020, xây dựng Thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại II.

Thực hiện chủ trương trên, Thành phố đã chỉ đạo tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, hoàn thành quy hoạch điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã và thành lập 2 phường mới; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020; hoàn thành quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030; quy hoạch chi tiết xã Phú Xuân, khu đô thị Hoàng Diệu và trung tâm các phường, xã.

Về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã  quy hoạch khu công nghiệp Sông Trà, Gia Lễ, mở rộng KCN Phúc Khánh và 2 cụm công nghiệp Phong Phú và Trần Lãm với quy mô trên 500ha; hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2015; quy hoạch hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ; quy hoạch hệ thống trường học và trạm y tế trên địa bàn Thành phố... Công tác đầu tư xây dựng được chú trọng nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng theo chuẩn đô thị loại II. Giai đoạn 2007 - 2011, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố đạt gần 9.000 tỷ đồng. Hoàn thành đưa vào sử dụng 166 công trình, hạng mục công trình góp phần làm thay đổi diện mạo Thành phố trẻ, tiêu biểu như hệ thống thoát nước, đường vành đai phía Nam, nút giao Phúc Khánh, Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ, dự án kè và nạo vét sông 3/2, công viên Kỳ Bá... Riêng năm 2013, Thành phố triển khai 153 dự án với số vốn đầu tư 340 tỷ đồng.

Nhiều công trình quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Thành phố vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 5.572 tỷ đồng đến năm 2013 tăng lên 7.518 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì mức hai con số, giai đoạn 2007 - 2010 đạt 18,8%/năm, năm 2013 tăng 12,82%. Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực: Năm 2013 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, nông nghiệp - thủy sản lần lượt là 63,5%, 32,5% và 4%. Các KCN trên địa bàn đã thu hút 88 dự án, 2 cụm CN thu hút 76 dự án với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2007 - 2010 tăng bình quân 30%/năm; tổng thu ngân sách năm 2013 đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2012... Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Với những kết quả đã đạt được, ngày 6/9/2013 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhân dân và cán bộ Thành phố Thái Bình vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;  ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2418/QĐ-TTg về việc công nhận Thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.

Đây là vinh dự lớn cũng là thời cơ để Thành phố Thái Bình tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đạt 18,9%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015 nâng tỷ trọng CN-XDCB lên 64,6%, TMDV chiếm 33,1%, giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 2,3%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 93,6 triệu đồng. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia... Tập trung triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch khu trung tâm các phường, quy hoạch chi tiết khu trung tâm các xã; nghiên cứu đề xuất mở rộng không gian đô thị. Triển khai xây dựng một số điểm vui chơi quy mô lớn như hồ Ty Rượu, khu công viên - quảng trường - Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại phường Hoàng Diệu, công viên Kỳ Bá... Phát triển toàn diện kinh tế, trọng tâm là ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; xây dựng một số trung tâm thương mại và siêu thị đồng thời tạo quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng trồng hoa tại Vũ Chính, cây cảnh tại Đông Hòa và Hoàng Diệu, cây vụ đông tại Vũ Lạc và Vũ Phúc... Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên hoàn thiện hệ thống thoát nước, giao thông, khu vui chơi giải trí... Tăng cường công tác quản lý đô thị về cảnh quan, kiến trúc, môi trường...

Phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, tạo việc làm cho người lao động; đấu tranh đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và đoàn thể nhân dân. Xây dựng Thành phố Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thành phố rất cần có sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành chức năng.

 Đỗ Đình An

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày