Thứ 4, 22/01/2025, 16:47[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 3, 15/04/2014 | 20:01:19
1,329 lượt xem
Chiều ngày 15/4, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020; Ðề án diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống. Ðồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020.

 

Mặc dù hàng năm diện tích rừng trồng mới trong tỉnh luôn được bổ sung, nhưng rừng vẫn bị hao hụt do sóng biển, gió bão, sinh vật hà gây hại, nhất là đối với rừng mới trồng.

 

Toàn tỉnh hiện chỉ còn 5.668,15 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 1.450,16 ha, rừng phòng hộ 4.237,99 ha. Trong khi đó tần suất xuất hiện thiên tai ngày càng dày như liên tục có bão lớn, lũ lụt, lở đất... Vì vậy, việc phát triển hệ thống rừng ven biển có kết cấu nhiều tầng sẽ hạn chế được tác hại do biến đổi khí hậu và phát huy vai trò chắn sóng, gió, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ đê biển; tăng nhanh tốc độ lắng phù sa, mở rộng diện tích bãi bồi để quai đê lấn biển.

 

Việc trồng và phục hồi rừng ven biển còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, nhất là các hộ nghèo, đối tượng không có khả năng tài chính, nhân lực để tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch bảo vệ rừng đến năm 2020 là 7.390,01 ha, trồng mới rừng 1.851,83 ha, trồng bổ sung 790 ha, trồng cây phân tán nội đồng 100 ha, trồng tre chắn sóng ven đê sông dài 23.650m... Tổng hợp vốn đầu tư 92.533 triệu đồng. Việc quy hoạch rừng khi được thực hiện sẽ tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh, phát huy và bảo tồn đa dạng sinh học và đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nhân dân.

 

Ðối với Ðề án diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống đã nêu tác hại của chuột gây ra và các biện pháp diệt chuột trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ sinh sản của chuột rất nhanh nên các biện pháp hiện tại chưa thể tận diệt được chuột. Theo đề xuất của Ðề án, cùng với các biện pháp diệt chuột bằng hóa học, sinh học, thủ công cần thành lập các tổ, đội diệt chuột ở các HTX DVNN, kết hợp với bảo vệ đồng ruộng, điều tiết nước. Hiện nay, một số địa phương đã có tổ, đội diệt chuột đem lại hiệu quả thiết thực, vừa giảm được chi phí cho người nông dân và hạn chế được tình trạng bỏ ruộng do chuột phá hoại.

 

Sau khi nghe các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bổ sung, làm rõ diện tích rừng trong chân đê biển để đưa vào quy hoạch; vùng bãi triều thuộc xã Ðông Minh (Tiền Hải) cần được thay thế cây bần sang trồng phi lao cho phù hợp; khi quy hoạch phải xem xét lại các quy hoạch ở lĩnh vực khác trước đó để không chồng chéo.

 

Ðối với Ðề án diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống, UBND tỉnh không phê duyệt Ðề án, mà ngành Nông nghiệp phải căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện có như Luật Hợp tác xã, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật... để thực hiện.

 

Ðồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp diệt chuột, đặc biệt là tuyên truyền về các tổ đội diệt chuột có hiệu quả hiện nay. Các huyện, thành phố chỉ đạo các HTX DVNN nhân rộng mô hình tổ đội diệt chuột. UBND tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ tăng lượng thuốc để tiến hành diệt chuột đại trà nhiều lần trong năm, đồng thời bố trí kinh phí cho việc tập huấn, đào tạo kỹ năng cho tổ, đội diệt chuột.

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa