Thứ 3, 14/05/2024, 23:50[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 4, 04/06/2014 | 21:00:16
1,168 lượt xem
Ngày 4/6, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về Báo cáo giải trình việc không đăng ký thi tuyển công chức của một số đơn vị thuộc sở, ngành, UBND huyện; tuyển công chức từ viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập không qua thi tuyển; Phương án hệ thống công trình phục vụ trồng cây chắn sóng đê biển số 5, đoạn từ K22+300 đến K23+300; đê biển số 6, đoạn từ K33+020 đến K35+760 thuộc huyện Tiền Hải; Kế hoạch rà soát, tháo gỡ khó khăn phát triển công nghiệp đóng tàu và vận tải biển trên địa bàn tỉnh; Ti

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với Sở Nội vụ. Ảnh: Trung Hiếu

Theo kết quả rà soát, thống kê của Sở Nội vụ, tổng biên chế công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện năm 2014 được giao là 2.091, biên chế có mặt tính đến thời điểm 30/11/2014 là 1.934, biên chế còn thiếu là 157. Về công chức cấp xã, tổng biên chế được giao là 3.411, biên chế có mặt tại thời điểm 28/2/2014 là 3.082, số nghỉ hưu từ 1/3/2014 đến 30/11/2014 là 53, tổng biên chế còn thiếu là 382 (trong đó chỉ tiêu biên chế dự thi là 359, chưa đăng ký dự thi 2 chỉ tiêu, xét tuyển 21 chỉ tiêu. Khối Đảng, đoàn thể, tổng số đăng ký dự thi là 19). Có 12 đơn vị không đăng ký thi tuyển công chức với 26 chỉ tiêu là các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và trưởng, phó phòng.

Tại cuộc họp, các đơn vị đã giải trình việc đề nghị không đăng ký thi tuyển công chức tỉnh năm 2014 là do các chỉ tiêu công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong nguồn quy hoạch hoặc không đủ điều kiện để đăng ký thi tuyển...

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị thực hiện việc điều chuyển công chức từ đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ quan hành chính nhà nước và điều chuyển công chức không qua thi tuyển phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định về tuổi đời, thời gian công tác, năng lực, trình độ, đạo đức, lối sống, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác hiện tại. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị một số đơn vị điều chỉnh lại việc đăng ký chỉ tiêu biên chế công chức hành chính nhà nước đúng, đủ để làm tốt bước chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp; đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ lên kế hoạch, phối hợp và thống nhất với các đơn vị liên quan để tổ chức kỳ thi tuyển công chức tỉnh năm 2014 an toàn, đúng quy chế, đủ chỉ tiêu được giao.

Đoạn đê biển số 5 từ K22+300 - K23+300 thuộc địa phận xã Nam Thịnh, đê biển số 6 từ K33+020 - K35+760 thuộc địa phận xã Đông Minh. Hai đoạn đê trên đã được kiên cố hóa trong những năm gần đây, mặt đê bằng bê tông, phía ngoài có tường chắn sóng và hệ thống kè lát mái bằng tấm bê tông đúc sẵn, song lại trực diện với biển, chưa có rừng ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê và kè. Vì vậy, khi có bão lớn kết hợp triều cường, sóng tràn qua đê ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của tuyến đê và khu dân cư phía trong đê.

Để tăng cường khả năng ổn định cho tuyến đê với mức triều trung bình tần suất 5%; giảm nguy cơ sạt lở đê do sóng tràn qua khi gặp bão vượt mức thiết kế, đồng thời tạo cảnh quan môi trường, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án bảo vệ các đoạn đê này. Theo đó, phương án được đưa ra là xây dựng hệ thống kè chắn sóng phía ngoài đê và kết hợp với trồng cây. Trong các phương án đưa ra, phương án do Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO) có tính khả thi cao. Bởi công trình kết cấu chủ yếu bằng sản phẩm đúc sẵn, chất lượng tốt, chịu được tác động của sóng, gió, dòng vận chuyển bùn cát dọc bờ và có khả năng bù vật liệu khi cát xói dưới chân kè; chi phí đầu tư thấp hơn các phương pháp truyền thống...

Sau khi nghe các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với phương án BUSADCO đưa ra và bổ sung một số vấn đề về giải pháp thiết kế. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan sớm lập dự toán chi tiết từng hạng mục công trình, bảo đảm đến ngày 15/6 bắt đầu thi công công trình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Tiền Hải lập phương án giao đất, tổ chức họp với nhân dân để phổ biến những phần việc cần làm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy. Ngoài ra, còn trên 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp hiện đang hoạt động, hầu hết trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Tổng số tàu hiện có là 203 tàu với tổng trọng tải hơn 802.000 tấn. Thị trường vận chuyển chủ yếu vẫn là nội địa, chiều từ Bắc vào Nam với các mặt hàng xi măng, calanhke, than; ngoài ra các doanh nghiệp còn tham gia vận chuyển hàng nông sản, thực phẩm, sắt thép, phân đạm… Bên cạnh việc mở rộng thị trường nội địa, các doanh nghiệp vận tải biển trong tỉnh còn chú trọng phát triển vận chuyển hàng hóa đi thị trường quốc tế như Indonexia, Malaysia, Thái Lan…

Ngoài số lượng tàu vận tải biển, toàn tỉnh còn có trên 1.000 tàu vận tải sông và 1.122 tàu thuyền cơ giới khai thác hải sản. Đây chính là khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển trong việc đóng mới và bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ.

Từ năm 2008 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng tàu và vận tải biển hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Mặc dù biết thua lỗ nhưng các chủ tàu vẫn buộc phải chạy tàu để giữ phương tiện, tài sản. Nhiều tàu đang trong tình trạng xuống cấp song chủ tàu không đủ tài chính để duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ. Ngoài những tàu đang hoạt động, toàn tỉnh còn một số tàu đang đóng dở song chưa thể hoàn thiện do gặp khó khăn về vốn…

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải biển tập trung rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp từ đó có giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Đồng chí cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả lãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và đóng tàu. Đối với các doanh nghiệp vận tải biển và đóng tàu không còn khả năng hoạt động cần tiến hành thu nợ và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Dự án Cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước thành phố Thái Bình sử dụng nguồn vốn ODA được thực hiện 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tập trung xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; Giai đoạn 2 xây dựng cống đầu sông Vĩnh Trà, cống hộp Trần Thủ Độ… Đến nay, đơn vị thi công đã triển khai lắp đặt đường ống có áp từ ngã tư Lạc Đạo đến đê Trà Lý dài 300m. Tuy nhiên trong quá trình thi công còn một số khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng khu vực trạm xử lý nước thải tại xã Vũ Lạc do không bảo đảm khoảng cách đến khu dân cư. Dự kiến, trạm xử lý nước thải sẽ được điều chỉnh đặt tại khu đất quy hoạch xử lý rác thải vật liệu xây dựng phường Trần Lãm.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đồng ý về chủ trương điều chỉnh quy hoạch trạm xử lý nước thải từ xã Vũ Lạc về phường Trần Lãm. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Thành phố hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Sở Tài chính, UBND Thành phố chủ động cân đối, bố trí vốn đối ứng giải phóng mặt bằng. Ủy quyền cho Thành phố điều chỉnh phê duyệt thiết kế cơ sở; tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện của đơn vị thi công; chủ động lồng ghép với dự án để xử lý dứt điểm những vị trí úng ngập trên địa bàn Thành phố. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu trạm xử lý nước thải phải xây dựng hồ kiểm chứng để người dân giám sát chất lượng nguồn nước trước khi xả thải ra sông Trà Lý.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày