Thứ 7, 28/09/2024, 00:17[GMT+7]

Dấu ấn một chặng đường

Thứ 2, 18/10/2010 | 08:42:27
2,385 lượt xem
Thế là đã 5 năm, trọn một nhiệm kỳ đại hội. Từ XVII đến XVIII, không chỉ đơn thuần là con số, là thứ tự trước sau, mà ở chặng đường 5 năm đã qua, biết bao công sức nhọc nhằn, biết mấy lo âu... để hôm nay có những con số làm ta vững niềm tin, trước gian lao, thử thách. Càng khó khăn, càng tôi rèn ý chí, thêm nhiều bản lĩnh để vượt qua.

Các cháu thiếu nhi chúc mừng Đại hội Đảnh bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2005-2010. Ảnh: Thành Tâm

Năm năm qua, mỗi chúng ta đều chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu trên phạm vi thế giới. Trong nước thì suy giảm kinh tế, dịch bệnh, thời tiết... diễn biến phức tạp. Thiên đã không thời, địa cũng chẳng mấy lợi và lòng người ở đâu đó chưa thật nhân hòa. Vậy mà, với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, nỗ lực hết mình...

Thái Bình vẫn là một trong những tỉnh được trung ương đánh giá cao. Bởi con số, không đơn thuần là số tự nhiên, mà ở đó hàm chứa cả kết quả, năng lực lãnh đạo, tổ chức quản lý của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Năm năm, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,02%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 16,1 triệu đồng, tương đương 850USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng nông nghiệp giảm; Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 66,6% xuống còn 62,4%. Hôm về dự kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đánh giá rất cao kết quả đạt được trên chặng đường 5 năm qua, của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Đó là dấu ấn khó quên, cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta đi tiếp chặng đường mới.

Đại hội XVII, nêu chủ đề: “...Sớm đưa Thái Bình thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển”. Lúc đó, không ít đại biểu dự đại hội như còn nhiều băn khoăn. Liệu có táo bạo không? Có khả thi không? “Sớm” là bao giờ? 5 năm, 10 năm hay 20 năm? Phạm trù sớm ở đây không bao hàm mốc thời gian để đưa Thái Bình thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển. Cũng là công bằng, khi định ra đường lối chiến lược cho chặng đường 5 năm tới, lúc “hầu bao” và “lưng vốn” của chúng ta đến năm 2005 mới đạt tốc độ tăng tưởng bình quân GDP 7,21%/năm, đã được coi là đạt mục tiêu Đại hội XVI.

Cơ cấu kinh tế năm 2000 mới đạt 15,04% công nghiệp, xây dựng; tỷ trọng nông nghiệp: 42,27%. Mục tiêu đặt ra của Đại hội XVII, phấn đấu tăng trưởng GDP 12,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010 đạt: Nông - Lâm - Ngư nghiệp: 30%; công nghiệp xây dựng 37%; dịch vụ 33%. GDP bình quân đầu người đạt 900USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.

Sau 5 năm phấn đấu bền bỉ, Thái Bình đã không nằm trong số các tỉnh nghèo của cả nước. Chẳng những thế, nhiều mục tiêu chúng ta vượt các tỉnh trong khu vực và “ngang ngửa” với những địa phương có lợi thế tiềm năng kinh tế. Trước hết là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, dù thiên tai, dịch bệnh... năng suất lúa vẫn ổn định trên 130 tạ/ha/năm. Sản lượng thóc giữ vững trên 1 triệu tấn.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta “trải thảm” mời các nhà đầu tư, mở mang các khu công nghiệp... còn đất đâu để có sản lượng lương thực như thế? Băn khoăn cũng là điều dễ hiểu, nhưng từ nhiều năm qua, tỉnh và các huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất vụ đông. chưa bao giờ mà năm 2009 diện tích trồng cây vụ đông đã phủ 45% diện tích và đạt ngưỡng 40 ngàn ha, chiếm 12% giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là chủ trương chuyển đổi 1330 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con có hiệu quả kinh tế cao.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh ta đã mở cửa và khá thông thoáng trong kêu gọi đầu tư, nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp để thoát ra khỏi tỉnh thuần nông. Tuy chưa đạt mục tiêu Đại hội XVII đề ra, nhưng giá trị công nghiệp, xây dựng đã tăng 24%, cao hơn bình quân giai đoạn 2001 - 2005 tới 8,7%/năm. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và khai thác các KCN hiện có; mở rộng KCN Tiền Hải, Phúc Khánh.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút một số dự án có quy mô lớn. Vốn là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, đến nay đã phát triển được 219 làng nghề, tăng 46 làng, giải quyết việc làm cho gần 200 ngàn lao động và chiếm 26% giá trị sản xuất công nghiệp. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo dáng dấp đô thị và đưa người dân tiếp cận với phương thức mua, bán mới hiện đại và hấp dẫn.

Từ chủ trương “thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển, nhưng thu ngân sách nội địa tăng bình quân 15%/năm và năm 2010 đạt 1.462 tỷ đồng... rõ ràng không còn là tỉnh chậm phát triển nữa. Do tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; có các chính sách khuyến khích, kịp thời tháo gỡ khó khăn nên đến nay, toàn tỉnh có 2300 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 2,2 lần so với năm 2005.

Kinh tế phát triển, thúc đẩy nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng cao. Giáo dục - đào tạo vẫn là điểm “nhấn” quan trọng để cả nước biết đến Thái Bình. Cho dù ngân sách chưa phải quá mạnh như nhiều tỉnh bạn, nhưng người dân hiểu rất rõ nguyên lý: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Vì thế, đã có 27,8% trường mầm non, 96,5% trường tiểu học, 51,7% trường THCS; 34,1% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên các bậc học cơ bản đạt chuẩn, có 37,5% đạt trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cuối cấp; đỗ các trường đại học, cao đẳng luôn ở tốp đầu của cả nước. Nhiều em đỗ thủ khoa giành giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế... trong hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.

Sự nghiệp y tế được quan tâm cả về lượng và chất. 72,7% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 80% trạm y tế có bác sỹ. 90% dân cư đô thị và 80% nông thôn được dùng nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%. Văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục phát triển ở tầm cao mới. Chúng ta tổ chức thành công lễ hội văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng, được dư luận đánh giá cao cả về quy mô và trình độ tổ chức. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Cho dù ở đâu đó còn chuyện này, chuyện khác, nhưng âu cũng là quy luật tất yếu của quá trình phát triển.

Bức tranh kinh tế - xã hội 5 năm qua thật sự là bức tranh đẹp, mà những họa sĩ tài hoa vẽ nên bức tranh ấy là nông dân, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy và HĐND - UBND tỉnh. Dấu ấn một chặng đường càng củng cố niềm tin để chúng ta tiếp tục cuộc hành trình: Đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa