Thứ 2, 13/05/2024, 04:12[GMT+7]

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo đà phát triển năm 2015

Thứ 7, 12/07/2014 | 01:26:07
1,123 lượt xem
Phát biểu của đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình bày 6 báo cáo và 10 tờ trình theo chương trình làm việc của kỳ họp; các vị đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 2014 đã đề ra. Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu đã chuyển tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh đến các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh, đồng thời đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực đối với công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay chịu ảnh hưởng chung của kinh tế cả nước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, hợp tác phát triển trong khu vực và tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta. Đối với tỉnh ta, do thời tiết đầu năm rét đậm kéo dài, trùng với thời gian gieo cấy lúa xuân làm cho 10.746 ha lúa đã cấy và gieo thẳng bị ảnh hưởng (trong đó 3.457 ha phải gieo cấy lại hoàn toàn); tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh phần lớn là quy mô nhỏ, các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào sản xuất nên năng lực sản xuất tăng chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ; nguồn thu ngân sách hạn hẹp, vốn đầu tư phát triển tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Nghị quyết của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản thể chế các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện ở các sở, ngành, địa phương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành linh hoạt và quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thường xuyên chỉ đạo quyết liệt về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng; tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên coi trọng chỉ đạo công tác quốc phòng và an ninh tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân (UBND tỉnh đã có báo cáo và trình bày tại kỳ họp này của HĐND tỉnh).

Về các ý kiến thảo luận và các chất vấn của các vị đại biểu trong kỳ họp này, một số đồng chí Giám đốc sở, Thủ trưởng ngành đã trả lời chất vấn và báo cáo giải trình một số vấn đề theo yêu cầu của các đại biểu HĐND tỉnh. Sau đây, thay mặt UBND tỉnh, tôi xin báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề mà HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.

1. Trước hết, cần khẳng định rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta đạt cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ 2 năm trước và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Những kết quả đạt được này là rất quan trọng, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu thực hiện của nhân dân tỉnh nhà, cộng đồng các doanh nghiệp và cán bộ chiến sĩ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo có trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, sự hoạt động có hiệu quả của các ngành chuyên môn và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.  Kết quả này được thể hiện trên thực tế là:
 - Diện tích lúa và các loại cây màu đều tăng so với năm trước. Lúa xuân được mùa lớn, đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, đồng thời diện tích lúa chất lượng tăng đáng kể đã làm tăng giá trị sản xuất; mặt khác, do tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng hạ tầng đồng ruộng... đã làm giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, khống chế và nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh, không để xảy ra dịch ở diện rộng.
- Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự trở thành động lực, phong trào rộng khắp trong nhân dân ở các địa phương cơ sở; vì vậy số xã đăng ký đạt chuẩn quốc gia về NTM trong năm 2014 tăng 4 lần so với các năm trước (58 đơn vị).
- Chương trình cấp nước sạch nông thôn thu hút được 22 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 31 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất 204.850m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 1.810 tỷ đồng, cấp nước cho 168 xã. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và triển khai tổ chức bàn giao các công trình cấp nước sạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới cho các doanh nghiệp tiếp nhận, quản lý và khai thác 66 công trình, cấp nước sạch cho 87 xã.
- Sản xuất công nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có xu hướng phục hồi, đạt mức tăng trưởng khá. Thương mại dịch vụ phát triển ổn định; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 500 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ.
- Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng thực hiện gần 70% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu vượt 14,7% dự toán, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
- Tổng vốn đầu tư  xây dựng cơ bản tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (trong đó một số nguồn vốn tăng khá cao như vốn trái phiếu Chính phủ tăng 40,5%, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu tăng 26,3%, vốn ngân sách tỉnh tăng 15,3%). Số vốn đầu tư đã giải ngân đạt 62,2% kế hoạch, tăng 35% so với cùng kỳ.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức công tác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 2.723 bà mẹ trong tỉnh, là tỉnh thực hiện khẩn trương nhất, trình phê duyệt sớm nhất.

3. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm chỉ đạo sâu sát và quyết liệt. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong hoạt động đầu tư, bảo đảm nguyên tắc “một cửa, một đầu mối”, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Qua 9 tháng hoạt động của Bộ phận “một cửa liên thông”, đã chấp thuận đầu tư tăng gấp 2,5 lần; cấp Chứng nhận đầu tư tăng gấp 1,5 lần so với 9 tháng năm 2013 (khi còn thực hiện theo cơ chế cũ) và đã rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư so với trước đây. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của các cấp chính quyền. Kỷ cương hành chính của các cấp chính quyền và công chức đã có bước chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 còn một số tồn tại, hạn chế như trong báo cáo của UBND tỉnh đã trình bày. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế chủ yếu sau:
- Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như chế biến tôm đông lạnh giảm 29,5%, đóng tàu các loại giảm 89%, chế biến thức ăn gia súc giảm 13%...
- Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản còn hạn chế (nhất là về tiêu thụ nông, thủy sản), nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm kiếm thị trường mới trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn (6 tháng đầu năm có 315 doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động).
- Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu chủ động, chưa nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; chậm tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp và các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp. Trong thực hiện cải cách hành chính đã tích cực chỉ đạo việc rà soát và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhưng ở một số cơ quan, đơn vị, trình độ năng lực chuyên  môn, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng xi măng hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM có nơi còn thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm phải xử lý. Tình trạng dạy thêm, học thêm và thu không đúng quy định vẫn còn xảy ra.
 - Việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại ở cấp huyện còn chậm (Hiện nay mới có 2 huyện Thái Thụy và Vũ Thư triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại ở cấp huyện). Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên (cấp xã tiếp công dân, bình quân 3 lượt người và nhận 1 đơn/xã; cấp huyện tiếp bình quân 157 lượt người và nhận 37 đơn/huyện; các sở, ngành tiếp bình quân 6 lượt người/ngành; UBND tỉnh tiếp 751 lượt người và nhận 512 đơn, trong khi đó thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh chỉ có 10 đơn).

Theo dự báo của Chính phủ, 6 tháng cuối năm 2014 bên cạnh những thuận lợi (như kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có xu hướng phục hồi; nhiều văn bản luật, cơ chế chính sách mới được ban hành, tạo động lực cho sự phát triển…) tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình bất ổn trên Biển Đông tác động bất lợi đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.

Để phấn đấu thực hiện đạt được mức cao nhất có thể các mục tiêu kế hoạch năm 2014, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và sự điều hành của UBND tỉnh. Sau đây, tôi xin giải trình một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện:

Một là, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.
1) Về sản xuất nông nghiệp: Tập trung chỉ đạo gieo cấy và chăm sóc lúa mùa theo Đề án đã được duyệt, bảo đảm cấy hết diện tích và đúng lịch thời vụ; chỉ đạo quyết liệt sản xuất vụ đông, phấn đấu đạt năng suất lúa mùa từ 62 tạ/ha, diện tích vụ đông đạt 38.000 ha trở lên. Tiếp tục mở rộng cánh đồng mẫu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở vụ mùa và vụ đông để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm. Có biện pháp thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi trồng thủy sản có sản lượng lớn. Kịp thời triển khai các chính sách của Chính phủ về phát triển thủy sản, trong đó tập trung hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác xa bờ và cơ sở vật chất phục vụ khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gắn với an ninh - quốc phòng. Chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai, bão lụt xảy ra. (Về ý kiến đại biểu đối với việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn theo Thông tư số 47/BNNPTNT, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã báo cáo trả lời chất vấn, tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Nguyên tắc chuyển đất trồng lúa sang cây khác nhưng không làm thay đổi mặt bằng để khi có yêu cầu trồng lúa là có thể thực hiện được ngay; đặc biệt là việc chuyển phải có quy hoạch và được cấp có thẩm quyền cho phép. Về cơ chế chính sách cho tái cơ cấu nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tham mưu về cơ chế, chính sách phù hợp đồng thời với việc xây dựng đề án tái cơ cấu).

Chỉ đạo sâu sát việc xây dựng NTM ở tất cả các xã, trong đó thường xuyên bám sát tiến độ thực hiện của các xã đăng ký về đích năm 2014 để có giải pháp chỉ đạo phù hợp, đồng thời tổ chức tốt công tác thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về NTM trong năm 2014, dự kiến công nhận thêm từ 58 xã trở lên trong 6 tháng cuối năm 2014, nâng tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về NTM lên 72 xã (vượt 2 xã và trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thức XVIII và Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy).

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM trong khoảng 700.000 tấn gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, sử dụng xi măng ở các địa phương; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình và hoàn thành quyết toán lượng xi măng hỗ trợ của tỉnh.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 16/6/2014 của UBND về việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp các dự án cấp nước sạch tập trung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới, đồng thời ngay trong tháng 7 năm 2014 hoàn chỉnh thủ tục chấp thuận đầu tư mở rộng và xây dựng mới thêm ở một số xã để phủ kín 100% số xã có dự án cấp nước sạch tập trung.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, đồng thời xây dựng và sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các huyện, thành phố điều chỉnh hồ sơ đất đai và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ hiến đất cho xây dựng NTM.

2) Về sản xuất công nghiệp: Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, làng nghề theo các cơ chế chính sách của tỉnh và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó chú trọng các nhóm sản phẩm có giá trị sản xuất lớn và khả năng tăng trưởng cao. Chủ động phối hợp, kịp thời xử lý những vướng mắc về mặt bằng, thủ tục hành chính..., tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã đăng ký đầu tư, sớm đưa vào sản xuất, nhất là dự án lớn của Trung ương đang triển khai đầu tư trên địa bàn để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề về đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường để giữ vững và phát triển nghề, làng nghề. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp, góp phần tái cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tập trung chỉ đạo việc bàn giao công trình điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, vận hành.

Chỉ đạo Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các biện pháp mở rộng đối tượng và hạn mức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12% trở lên.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm có thêm 6 dự án sản xuất công nghiệp đi vào sản xuất (tổng vốn đầu tư 6.199 tỷ đồng), trong đó có dự án Nhà máy sản xuất AmonNitrat là dự án lớn sẽ bắt đầu đi vào sản xuất từ quý IV (sản lượng năm 2014 khoảng 8.000 tấn sản phẩm). Ngoài ra còn dự án sản xuất bao bì cát-tông của Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen (vốn đầu tư 298 tỷ đồng), dự án sản xuất bộ dây dẫn điện và dây dẫn chính cho ô tô, xe máy và các sản phẩm điện tử của Công ty JOHOKU Hải Phòng (63 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp TBS Sông Trà cũng hoàn thành, đi vào hoạt động ngay quý III năm 2014 sẽ góp phần tăng đáng kể năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

3) Về thương mại, dịch vụ: Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp. Có giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khai thác sâu các thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định (trong đó chú ý thị trường Trung Quốc), giảm thiểu những tác động xấu khi có biến cố phức tạp xảy ra. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, giá cả và chất lượng hàng hóa.

 Đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn tại hội trường.

Hai là, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và điều hành tài chính ngân sách.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 về tái đầu tư công, Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị của tỉnh về tăng cường quản lý đầu tư và khắc phục nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thanh quyết toán vốn đầu tư năm 2014, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ mới được bổ sung kế hoạch vốn. Các cấp đều phải xây dựng phương án trả nợ phù hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đối với nợ của cấp tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên tính toán cân đối nguồn và có giải pháp khai thác, huy động các nguồn vốn để trả nợ.

Thực hiện nghiêm túc việc rà soát tiến độ thực hiện các dự án tại thời điểm 30/9, 31/12 và tham mưu với UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ cho các dự án có khối lượng hoàn thành còn thiếu vốn thanh toán và các dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014 để phát huy hiệu quả đầu tư, kiên quyết không chuyển nguồn vốn sang năm sau. Kiểm soát chặt chẽ quy mô các dự án, rà soát giảm bớt nội dung đầu tư và cắt giảm chi phí, hạng mục không thật cần thiết để bảo đảm nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án; xem xét dừng, giãn, hoãn tiến độ những dự án chưa thật cấp bách, có nhu cầu về vốn lớn để tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tiếp tục dành 50% tiền tăng thu từ thuế, phí, lệ phí và 100% tiền tăng thu sử dụng đất năm 2014 - 2015 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM. Tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu mới.

Chỉ đạo quản lý chặt chẽ các nguồn thu trên địa bàn tỉnh; thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu, gian lận thương mại, chuyển giá để trốn thuế. Tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thu, khai thác nguồn thu và thu hồi nợ đọng thuế, không để phát sinh nợ mới; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2014 ở cả 3 cấp ngân sách (chú ý thực hiện chủ trương thu vượt dự toán nhưng mức thu trên địa bàn phải phấn đấu đạt tối thiểu 3.600 tỷ đồng, trong đó thu cân đối đạt 3.200 tỷ đồng, bằng mức thu năm 2013). Tổ chức quản lý, điều hành công tác chi ngân sách chặt chẽ, hạn chế tối đa các khoản chi phát sinh ngoài dự toán, bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước đúng chế độ quy định, tiết kiệm, hiệu quả. Các huyện, thành phố phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính, ngân sách cấp mình để bảo đảm mọi hoạt động và bù đắp đối với trường hợp giảm thu so với dự toán.

Ba là, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người và gia đình có công và các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung rà soát các hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở thuộc đối tượng như trong giai đoạn 1 (2012 - 2013) để ứng trước kinh phí hỗ trợ trong năm 2014 (về việc này, năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công (Đề án năm 2012), chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nhà cho người có công với tổng số 2.702 nhà, khi triển khai có phát sinh thêm nên đã hoàn thành việc hỗ trợ tổng số 2.716 nhà. Hiện nay, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng, thì số nhà cần hỗ trợ lên 25.803 nhà, nhưng ngân sách Trung ương chưa cân đối được nguồn vốn để thực hiện. Do vậy, đối với tỉnh ta, tiếp tục rà soát, nếu đối tượng thuộc tiêu chí của Đề án năm 2012 thì tiếp tục hỗ trợ; các đối tượng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng sẽ triển khai hỗ trợ khi có nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương).

Trong tháng 7/2014, UBND ban hành quy định chế độ trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan liên quan đến việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm về việc thu và quản lý, sử dụng các khoản thu của học sinh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xã hội hóa điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên toàn tỉnh (tháng 7 triển khai thêm 4 điểm ở 4 huyện, tháng 8 triển khai thêm 4 điểm ở 4 huyện còn lại. Thủ tục hành chính đối với người bệnh đến điều trị phải đơn giản, không phải làm thủ tục xét duyệt đối tượng như vừa qua thành phố Thái Bình làm. Đồng thời khẩn trương chỉ đạo mở rộng các điểm điều trị, phải tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt để triệt phá bằng được, kịp thời các điểm buôn bán chất ma túy; xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán chất ma túy,  đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành lực lượng nòng cốt là Công an, phối hợp chặt chẽ các ngành nội chính và phát huy sức mạnh của nhân dân để đấu tranh).

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức tốt Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh và tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014...

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính. Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Quy định về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong hoạt động đầu tư theo hướng rút gọn quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành; trong quý III năm 2014 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp và sản phẩm nghề chủ yếu; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó sớm ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xử lý rác thải nông thôn. Xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiệu quả và bền vững… làm cơ sở cho việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ chính trị, trình đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới.

Xây dựng Đề án phát triển và chuyển giao phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” cho cấp huyện. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại ở cấp huyện tạo thuận lợi cho người dân. Chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi tuyển công chức năm 2014. Ban hành quy định quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập; tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức gắn với xác định vị trí việc làm; xây dựng quy định về phân cấp quản lý đối với công chức xã; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố theo quy định.

Năm là, triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014); tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, kế hoạch của tỉnh về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân thường xuyên và tiếp dân định kỳ của lãnh đạo sở, ngành, địa phương theo quy định. Chủ động và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc theo thẩm quyền, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Thực hiện chế độ yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải kiểm điểm trách nhiệm nếu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân ở địa phương, đơn vị đạt hiệu quả thấp.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững ổn định tình hình trên địa bàn. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phấn đấu kiềm chế và giảm tai nạn giao thông ở cả 3 chỉ số. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đợt 2 năm 2014, hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, an toàn và đúng luật.

Sáu là, triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2015 và danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 gắn với khả năng cân đối nguồn lực và đưa ra các giải pháp thực hiện đồng bộ, khả thi nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước phải phù hợp với các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm  đúng với chế độ, chính sách của  Nhà nước, tiết kiệm, công khai, minh bạch, chống lãng phí.

Nhân kỳ họp này, UBND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, thông qua giám sát để tham gia ý kiến trực tiếp, kịp thời với các cấp, các ngành, các địa phương và với UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Thay mặt UBND tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2014, tạo đà phát triển cho năm 2015.


 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày