Thứ 6, 24/01/2025, 12:47[GMT+7]

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2

Thứ 6, 18/07/2014 | 22:26:27
1,247 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2 (bão Rammasun), để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời và linh hoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan lơ là, coi thường diễn biến của thiên tai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương.

Ðồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2 tại huyện Kiến Xương.

 

* Ðồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 2 tại huyện Tiền Hải, Kiến Xương. Cùng đi có đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

 

Ðến 9 giờ sáng ngày 18/7, huyện Tiền Hải có 557/561 tàu thuyền với trên 1.400 lao động vào tránh trú bão tại các điểm neo đậu an toàn, số còn lại phương tiện đã liên lạc được và đang vào nơi tránh trú ở trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện có trên 1.300 chòi ngao với trên 1.500 lao động canh coi cũng được tuyên truyền và đang di dời vào trong đê quốc gia.

 

Tuy nhiên, vào lúc 9 giờ sáng ngày 18/7, khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống kiểm tra tại các chòi và bãi ngao thì tình trạng lao động và người canh coi ở lại các chòi và bãi ngao vẫn còn khá lớn. Trước tình hình đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu lãnh đạo huyện Tiền Hải phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và các xã vùng ven biển rà soát, tổng hợp số lượng lao động canh coi trên các chòi ngao, lao động lưu động trên biển, đồng thời đến từng chòi ngao để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân vào nơi trú ẩn. Trường hợp cố tình chống đối phải tiến hành cưỡng chế di dời ngay, tuyệt đối không để người dân nào còn ở lại trước 14 giờ. Bố trí, sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, không được để người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão độ bộ vào. Các xã, thị trấn rà soát số lượng nhà yếu, số hộ dân còn ở ngoài đê để có phương án di dời đến nơi an toàn. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kịp thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm.

 

Ðến kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão số 2 tại Trạm bơm An Quốc (Kiến Xương), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ðây là trạm bơm tiêu có công suất 32.000m3/h, khi xảy ra mưa lớn trên diện rộng việc vận hành trạm bơm tiêu úng là đặc biệt quan trọng, không chỉ bảo đảm tiêu úng cho trên 2.000ha đất lúa của 3 xã An Bình, Quốc Tuấn và Trà Giang mà còn tiêu úng cho phần lớn diện tích đất canh tác của các xã phía Nam huyện Kiến Xương khi có triều cường. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, công nhân viên Trạm bơm An Quốc phải chủ động kiểm tra máy móc, thiết bị, các phương án vận hành trạm bơm một cách hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

 

Ðồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị tại các trạm bơm tiêu, đề phòng bão số 2 gây mưa ngập trên diện rộng.

 

* Kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 2 tại Trạm bơm Minh Tân (Hưng Hà), đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu từ ngày 18/7, cán bộ, công nhân viên của Trạm phải ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm các máy bơm hoạt động thật tốt. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ công trình thủy lợi và quy tắc vận hành máy bơm. Trạm bơm Minh Tân có 8 máy, công suất mỗi máy 8.000m3/giờ, bảo đảm tiêu úng cho hơn 3.000ha lúa. Thực hiện Công điện khẩn của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, đến 12 giờ ngày 18/7, tất cả 20 trạm bơm tiêu công suất lớn của tỉnh đều đã sẵn sàng hoạt động để tiêu úng nếu bão số 2 gây mưa ngập trên diện rộng. Chiều cùng ngày, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 2 tại các xã trọng điểm của huyện Thái Thụy.

 

Ðồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 2 tại các huyện Vũ Thư, Ðông Hưng và thành phố Thái Bình.

 

* Tại các điểm đến kiểm tra, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động các phương án phòng chống hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó các sự cố trong mưa bão. Cấm các phương tiện chở người qua sông khi có mưa bão. Chủ động tháo nước đệm trên các tuyến sông, các chân ruộng trũng; tập trung giải tỏa các vật cản trên sông trục, sông dẫn. Các công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi bảo đảm hệ thống máy bơm tiêu kịp thời tiêu thoát phục vụ dân sinh và sản xuất của nhân dân; có giải pháp cụ thể để tiêu úng cho các vùng trũng, vùng lúa mới cấy, các khu dễ bị ngập lụt ở các đô thị, khu công nghiệp; bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi trồng thủy sản và các loại cây ăn quả, hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch, nhất là khi gặp tình huống xấu mất điện lưới. Kiểm tra hệ thống đê điều, bờ bao, cống, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mọi tình huống. Thông tin nhanh về cơn bão để nhân dân biết, chủ động ứng phó. Chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng của Nhà nước, tập thể và nhân dân. Chú trọng giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình có nhà ở chưa kiên cố. Kiên quyết di dời dân đang sinh sống tại các khu chung cư xuống cấp trên địa bàn thành phố Thái Bình đến nơi trú ẩn an toàn, hoàn thành vào trước 15 giờ ngày 18/7. Ðồng thời, có biện pháp giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực di dời.

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa