Thứ 3, 14/01/2025, 00:17[GMT+7]

Ủy ban nhân dân tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 5, 31/07/2014 | 21:23:57
1,724 lượt xem
Chiều ngày 31/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về: Dự thảo Ðề án phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản; Quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Những vướng mắc trong thực hiện Luật Ðất đai năm 2013.

Ðồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

 

Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

 

Ðề án phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng với mục tiêu đến năm 2020: xây dựng 2 cảng cá loại I, 2 bến cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão, bảo đảm 100% tàu thuyền có nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn; có đủ dịch vụ cung cấp, sửa chữa ngư cụ, trang thiết bị khai thác; xây dựng 2 chợ thủy sản đầu mối tại 2 cảng cá trọng điểm; cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện 19 cơ sở sản xuất giống hiện có; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho 100% chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh về thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học. Ðể thực hiện Ðề án, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng (hỗ trợ xây dựng hạ tầng và hỗ trợ lãi suất).

 

Ðối với quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là một bộ phận quan trọng của quy hoạch phát triển giao thông vận tải nhằm xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, vận hành theo chức năng và bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch được thực hiện với hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2017) cần 11,4 ha đất và tổng vốn đầu tư 213 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2018 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) cần 53,1 ha đất và tổng vốn đầu tư 923 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách Nhà nước.

 

Sau khi các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm phù hợp với Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ.

 

Ngoài phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án huy động thêm các nguồn lực thực hiện Ðề án. Về những vướng mắc trong xác định giá đất, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể đến hết năm 2014; từ năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì thực hiện, trình hội đồng thẩm định giá đất; đồng thời giao Sở Tài chính xác định mức tỷ lệ phần trăm làm căn cứ xác định đơn giá thuê đất.

 

Minh Hương

 

  • Từ khóa