Thứ 5, 10/10/2024, 21:25[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng 15/10 Dân vận khéo việc gì cũng thành công

Thứ 4, 15/10/2014 | 09:11:18
1,878 lượt xem
Quán triệt sâu sắc phương pháp “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 2009 Ban Dân vận Trung ương đã chính thức phát động phong trào thi đua xây dựng điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên phạm vi toàn quốc. Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 26/3/2009 về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. C

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trao Giấy khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác Dân vận. Ảnh: Ngọc Linh

Qua 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.239 mô hình, trong đó có 446 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 434 mô hình thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội, 161 mô hình về an ninh quốc phòng, 180 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị và 18 mô hình toàn diện các lĩnh vực. Trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng 80 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, từ năm 2011, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình ở cơ sở; chọn những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới như: việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình trong xây dựng nông thôn mới... để tập trung thực hiện.Phong trào đã từng bước trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân và có tính lan tỏa trong cộng đồng, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng còn bộc lộ những hạn chế về nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và cán bộ các cấp về “Dân vận khéo” chưa đúng, chưa sâu sắc; chưa hiểu rõ “Dân vận khéo” là gì, việc phối hợp lồng gắn giữa phong trào “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước khác như thế nào nên ở một số nơi việc triển khai tổ chức thực hiện phong trào còn mang tính hình thức, dàn trải, thiếu chiều sâu, không mang tính bền vững, dẫn đến chất lượng, hiệu quả phong trào chưa cao.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Ảnh: Ngọc Trâm

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã đề ra các giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và trong các tầng lớp nhân dân, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo” chính là sự cụ thể hóa 5 quan điểm, 7 giải pháp đã nêu trong Nghị quyết cho từng công việc, từng lĩnh vực cụ thể của công tác Dân vận. “Dân vận khéo” chính là phương pháp, nghệ thuật vận động, tập hợp đoàn kết, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân làm cách mạng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm làm công tác Dân vận phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để có được nhận thức đúng đắn, phương pháp công tác, kỹ năng vận động các đối tượng, từng người dân sao cho thật nhuần nhuyễn, phù hợp, hiệu quả nhất.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp  Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, yếu kém, rút ra những kinh nghiệm, đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, đáp ứng yêu cầu công tác Dân vận trong tình hình mới.

Hai là: Căn cứ nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị, lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để phát động xây dựng phong trào “Dân vận khéo”, thiết thực góp phần thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giải quyết những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của nhân dân.

Ba là: Thường xuyên theo dõi, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đưa phong trào “Dân vận khéo” đi vào hoạt động nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của 84 năm công tác Dân vận của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận tỉnh nhà tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; nỗ lực, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác Dân vận; làm cho Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) thực sự đi vào cuộc sống.

Nguyễn Tiến Thành
(Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)

  • Từ khóa