Thứ 7, 19/07/2025, 08:15[GMT+7]

Đổi mới công tác cán bộ Mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng

Thứ 3, 30/12/2014 | 07:56:09
1,050 lượt xem
Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý) được quan tâm, chú trọng. Ðể hiểu rõ hơn về kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong năm qua, định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh trong thời gian tới, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Ðặng Trọng Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Các thí sinh nghe phổ biến quy chế kỳ thi kiến thức xây dựng Đảng và quản lý nhà nước năm 2014. Ảnh: Ngọc Linh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong năm qua?

Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, triển khai đến các địa phương, cơ quan, đơn vị với nội dung toàn diện, bao gồm: đào tạo dài hạn, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị cho cán bộ, trong đó chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2014, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 2.280 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và dự nguồn các cấp, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 khóa bồi dưỡng tập trung cho 154 cán bộ dự nguồn các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, thời gian mỗi khóa học là 1,5 tháng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng Đảng và quản lý nhà nước cho 1.267 cán bộ trong nguồn quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (đối tượng 1) và nguồn quy hoạch các chức danh diện ban thường vụ huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ngành quản lý (đối tượng 2) để nâng cao kiến thức xây dựng Đảng, quản lý nhà nước cho cán bộ, đáp ứng nhu cầu tuyển chọn, kiện toàn các vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý khuyết thiếu trong năm 2015.

Phóng viên: Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có vị trí, vai trò như thế nào trong định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Thái Bình là một trong số những địa phương tổ chức sớm nhất lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thông qua lớp bồi dưỡng, các học viên được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng nhằm củng cố nhận thức về chính trị - xã hội, lập trường, tư tưởng; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tác phong, trách nhiệm công vụ của cán bộ trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Lớp bồi dưỡng cũng trau dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế công tác để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa tạo điều kiện để các đồng chí chuẩn bị kiến thức, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch. Ban tổ chức lớp học đã tổ chức cho học viên đi thực tế tại các xã trong tỉnh nhằm giúp học viên nắm bắt tình hình thực tế, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu cuộc sống của nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực công tác cho cán bộ. Có thể nói, lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý là bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tế và hơn hết đó là biết gần dân, nghe dân và hiểu dân.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh trong thời gian tới?

Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh thời gian tới trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ được quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nêu trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành. Theo đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có uy tín trong nhân dân; tư duy đổi mới, sáng tạo; khả năng tiếp cận, nắm bắt và xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không tham ô, tham nhũng, lãng phí; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực và các luận điệu xuyên tạc, phản động, trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trước mắt phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá làm tiền đề cho các nội dung khác của công tác cán bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; tiếp tục hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ bảo đảm chặt chẽ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác luân chuyển cán bộ theo quy định để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực tiễn. Thực hiện công khai, dân chủ trong mọi khâu trong công tác cán bộ, tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh có đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!                                                        

Đào Quyên

(thực hiện)

  • Từ khóa