Thứ 7, 11/01/2025, 08:06[GMT+7]

Những mùa vàng nhớ Bác

Thứ 4, 31/12/2014 | 16:51:02
1,478 lượt xem
45 năm trước, cùng với đồng bào cả nước, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình nhớ thương tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng. Bao nhiêu thời gian đi qua là từng ấy thời gian Thái Bình khắc ghi lời dạy của Người, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành những mùa vàng dâng lên Bác kính yêu.

Cán bộ và nhân dân Thái Bình vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm và chúc Tết đầu năm, ngày 1/1/1967. Ảnh: Tư liệu

 

Bác ra đi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang trở nên cam go hơn lúc nào hết, đúng như nhận định của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Ðồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người…”. Nhưng giữa mất mát to lớn đó, dân tộc Việt Namon> đã biến đau thương thành hành động “quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Thái Bình dồn sức cho tiền tuyến. Gác lại tuổi thanh xuân, những chàng trai, cô gái quê lúa hăng hái lên đường nhập ngũ. Những người vợ, người mẹ chịu đựng đến tột cùng gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh, hiến dâng chồng, con cho Tổ quốc. Tiễn người đi xa, những người ở lại hậu phương tay cày, tay súng vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu, phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng hậu bị, sẵn sàng chi viện cho miền Namon> ruột thịt.

 

Ði đầu trong phong trào “thóc thừa cân, quân vượt mức”, chỉ trong 6 năm (từ 1969 đến 1975), Thái Bình đã bổ sung cho quân đội gần 76.000 người. Các phong trào thi đua lao động sản xuất nở rộ khắp các địa phương: “Vụ gặt này, thưa Bác - tháng năm/Chúng con gặt cả phần người đi vắng/Con hiểu giá những ngày đang sống/Bằng trăm năm - đất nước chuyển mình”. Dù cơ sở hạ tầng mới trong giai đoạn đầu được xây dựng song Thái Bình đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Năm 1966 là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Từ năm 1969 đến năm 1975 toàn tỉnh vẫn duy trì và vượt kết quả đó, đóng góp hàng triệu tấn lương thực để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, đi đến thắng lợi cuối cùng.

 

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khắc ghi lời dạy của Bác: “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, trong điều kiện kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn, với phương châm phát triển sản xuất “từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”, Thái Bình đã phát huy sức mạnh toàn dân, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh tập trung cao độ cho việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp song song với đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

 

Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng  cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

 

Thời kỳ này, Thái Bình đã tạo thêm một bước chuyển mới trong thâm canh tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là thâm canh cây lúa. Ðến năm 1985, năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên 7 tấn/ha; giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hàng năm. Không chỉ tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có bước tiến rõ rệt. Toàn tỉnh đã hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,02% năm 1981 xuống còn 1,6% năm 1985; năm 1982 có gần 600 trường học các cấp, tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi được huy động đến lớp đạt 60%; năm 1985, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng phòng bệnh đạt 93%.

 

Bước vào công cuộc đổi mới, trong cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ, trì trệ với sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình một lần nữa thể hiện bản lĩnh những người con của mảnh đất tiếng trống năm 1930 và tinh thần quê hương năm tấn. Nhiều cuộc cách mạng về tư tưởng, kinh tế, văn hóa đã được Ðảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với quyết tâm làm chuyển biến và tạo sự bứt phá mạnh mẽ nhằm phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nếu những năm đầu đổi mới là việc thực hiện cuộc cách mạng trong tư tưởng, chuyển từ cơ chế bao cấp tập trung sang hạch toán kinh tế; giai đoạn 1990 - 2000 là cuộc cách mạng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì từ năm 2000 đến nay là cuộc cách mạng toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt, mấy năm gần đây là cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Những cuộc cách mạng do Ðảng bộ tỉnh lãnh đạo, nhân dân đồng lòng, chung sức đã đem đến những thành tựu rực rỡ. Nếu như giá trị tổng sản phẩm của tỉnh năm 2000 gấp hơn 2 lần năm 1990 thì sau hơn 1 thập kỷ (từ năm 2000 đến năm 2014) giá trị tổng sản phẩm của tỉnh tăng gấp gần 10 lần (năm 2000 đạt hơn 4.500 tỷ đồng, năm 2014 là hơn 38.000 tỷ đồng). Ðời sống nhân dân ngày càng sung túc, no ấm, số hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm. Hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới.

 

Xuyên suốt thời gian chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều sâu sắc mà Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình khắc cốt, ghi tâm theo lời dạy của Bác là giữ vững sự đoàn kết trong Ðảng, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, Ðảng bộ tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, kiên quyết loại trừ các phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội ra khỏi Ðảng nhằm giữ vững sự trong sạch của Ðảng, giữ vững niềm tin của nhân dân với Ðảng. Những căn bệnh chủ quan, duy ý chí, bệnh thành tích, dân chủ hình thức đã để lại những bài học đắt giá như việc mất ổn định những năm 1997 - 1998 đã được toàn Ðảng, toàn dân nghiêm túc nhìn nhận, nói rõ sự thật, mổ xẻ để tiếp tục rút kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành quá trình thực hiện nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo. Qua đó, chúng ta càng thấm thía sâu sắc bài học: Sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi dân thực sự tin Ðảng, Ðảng thực sự vì dân. Dựa trên những giá trị bền vững và bất biến đó, Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Ðảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân để tiếp tục lập những mùa vàng báo công dâng Bác.

Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa