Thứ 7, 11/01/2025, 08:11[GMT+7]

Kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Thái bình (21/3/1890- 21/3/2015) Thái Bình - Nhớ ngày thành lập

Thứ 6, 27/02/2015 | 14:42:32
4,505 lượt xem
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Ðông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Ðây là ngày chính thức đánh dấu Thái Bình trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Nhà nước Trung ương. Qua chặng đường 125 năm, Thái Bình không ngừng đổi thay, phát triển, ngày càng lớn mạnh, sánh vai với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Trong đạn bom khốc liệt, nhân dân Thái Bình vẫn hăng hái vận chuyển lương thực cho bộ đội, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ảnh: Nhà báo Isicaoa Bundo (Nhật Bản)

 

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.533km2, dân số hơn 1,9 triệu người. Ðất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Vào khoảng 6, 7 thế kỷ trước Công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Ðảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hóa, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.

 

Ngày 21/3/1890, toàn quyền Ðông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Ðông Quan, Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Ðịnh) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Ðến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh - một đơn vị hành chính độc lập gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Ðông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Ðịnh,  Tiền Hải.

Nghị định số 152 của Toàn quyền Ðông Dương về việc thành lập tỉnh Thái Bình (Văn bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt do Chi cục Lưu trữ - Sở Nội vụ Thái Bình cung cấp).

 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 10/4/1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn. Số lượng huyện, thị của tỉnh không thay đổi cho đến sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954). Duy chỉ có địa giới các huyện có thay đổi, cắt nhập lại thành từng khu vực thuận tiện cho việc đi lại giao dịch và quản lý.

 

Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, Thị xã Thái Bình được công nhận là Thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NÐ-CP ngày 29/4/2004 của Chính phủ). Ngoài sự thay đổi chút ít về địa giới một số huyện, thành phố do sự mở rộng địa giới Thành phố, đến nay, hầu hết số lượng và phạm vi quản lý của các huyện cơ bản không thay đổi.

 

Cửa sông, bến nước - đất đứng chân của các bậc tiền công đi mở đất. (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh)

 

Thái Bình - miền đất hạ lưu sông Hồng luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Ðó là sự hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang vùng đất mới vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song đó cũng lại là miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy, thử thách như dông bão, lụt lội, nắng hạn, đầm lầy, lau lách, thú dữ… Trải qua quá trình trăn trở, vật lộn, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc dã hoành hành để cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy lau lác, cỏ dại thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, cư dân Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp với nhiều truyền thống đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục, cải tạo thiên nhiên, giàu kinh nghiệm thâm canh; có nền văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà vẫn có sắc thái riêng, độc đáo; có ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, có truyền thống hiếu học đặc biệt là truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước, chống ngoại xâm và đấu tranh với các thế lực cường quyền, phong kiến phản động.

 

Mặc dù là tỉnh được thành lập muộn hơn so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, song với truyền thống của mảnh đất với những con người dũng cảm, Thái Bình đã và đang lớn mạnh, sánh vai với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

 

 

Ðồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình:

Là một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và truyền thống văn hóa, Thái Bình từng được tôn vinh là nơi hội tụ tinh hoa của nhiều vùng, miền. Dễ nhận ra những nét rất riêng của đất và người Thái Bình. Ðó không chỉ là những nét riêng của một tỉnh đồng bằng duyên hải, với cư dân đông đúc, từ cổ xưa vốn là điển hình nhiều mặt về nông thôn, nông dân, nông nghiệp mà còn có nét đặc trưng tiêu biểu về tiềm năng lịch sử, văn hóa truyền thống với đầy đủ ý nghĩa một “kho người - kho của”…

 

(Nguồn “Địa chí Thái Bình” - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin)

  • Từ khóa