Thứ 2, 06/05/2024, 12:57[GMT+7]

Kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp

Thứ 5, 05/03/2015 | 09:30:54
7,266 lượt xem
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng chính thức xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến vệ quốc bùng nổ đánh dấu một thời kỳ chống xâm lược bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Mang truyền thống anh dũng, quả cảm của những người dân miền đất nơi cửa biển, ngay từ những ngày đầu, không khí kháng Pháp đã sục sôi trên mảnh đất Thái Bình.

Đình Nho Lâm (xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải) - địa điểm xuất phát cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930. (Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh)

 

Người khuấy động phong trào kháng Pháp tại Thái Bình là Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, người làng Luyến Khuyết (nay thuộc xã Thụy Phong, Thái Thụy). Là Tham tán quân vụ đại thần quân thứ Quảng Nam, dưới quyền của Thống đốc Nguyễn Tri Phương. Đầu năm 1860, nhân chuyến về quê, Tiến sĩ Phạm Thế Hiển đã tìm gặp những người đồng chí đồng tâm với mình là Tiễn sĩ Doãn Khuê, người Ngoại Lãng (xã Song Lãng, Vũ Thư ngày nay), Tú tài Phạm Huy Quang, người làng Phù Lưu (xã Đông Sơn, Đông Hưng)… bàn việc vận động văn thân, sĩ phu ngoài Bắc dâng biểu xin triều đình không “nghị hòa”. Các văn thân, sĩ phu yêu nước tại Thái Bình không chỉ tích cực vận động nhân dân chuẩn bị kháng Pháp mà còn lên đường Namon> tiến xin đánh giặc, cứu nước. Các hoạt động đó đã khơi dậy không khí yêu nước, chống xâm lược sôi sục ở Thái Bình. Ngay khi quân Pháp tiến đánh thành Namon> Định, một căn cứ kháng chiến lớn do cha con Nguyễn Mậu Kiến lãnh đạo đã được thành lập tại huyện Chân Định, phủ Kiến Xương với số lượng nghĩa quân tập hợp lên tới 2.000 người. Không chỉ có căn cứ ở Chân Định, các căn cứ cũng được thành lập tại các địa phương khác như căn cứ của Doãn Khuê tại Đông Vinh (nay thuộc xã Vũ Vinh, Vũ Thư). Các nghĩa quân ngày đêm rèn luyện võ nghệ, đào hào, đắp lũy sẵn sàng kháng chiến. Năm 1883, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Thái Bình bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh chống kế hoạch bình định và cướp bóc của chủ nghĩa thực dân cùng bọn tay sai phản động. Thời gian này, lực lượng kháng chiến ở Thái Bình trỗi dậy rộng khắp từ phía Namon> sang phía Bắc tỉnh, nhiều đợt tiến quân của giặc đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân.

 

 

Phụ nữ Thái Bình đi làm thủy lợi phục vụ tăng gia sản xuất đóng góp sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh Nhà báo ISICAOA BUNDO (Nhật Bản).

 

Đầu năm 1927, chi bộ “Thanh niên” đầu tiên được thành lập tại Trình Phố (xã An Ninh, Tiền Hải). Đến đầu năm 1928, nhiều chi bộ tiếp tục được thành lập. Cuối năm 1928 đầu năm 1929, không có huyện nào không có cơ sở của Hội Việt Namon> cách mạng thanh niên. Đầu năm 1929, Tỉnh bộ “Thanh niên” triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh thống nhất phải thành lập tổ chức Đảng Cộng sản. Năm 1929, Hội Việt nam cách mạng thanh niên giải tán, chuyển Ban Tỉnh bộ Thanh niên thành Ban Tỉnh ủy của Đảng bộ. Đông Dương Cộng sản đảng chính thức thành lập tại Thái Bình. Trong cao trào cách mạng năm 1930, cuộc biểu tình Duyên Hà - Tiên Hưng, Tiền Hải là một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Bắc kỳ như một hiệu lệnh mở đầu cho những cuộc đấu tranh trong toàn xứ Bắc kỳ. Thường vụ Trung ương khi đó đánh giá “Ở  Bắc kỳ thì phong trào khá nhất là ở Thái Bình… Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải có thể là bước đầu hết thảy công cuộc của quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc kỳ”. Trong những năm 1937-1938, Đảng bộ Thái Bình tranh thủ những cơ hội tốt để tuyên truyền cách mạng. Phong trào đấu tranh dân chủ ở Thái Bình từng bước chuyển lên cao trào, các cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi, liên tục. Cuối năm 1938, 1939, trước sự khủng bố ráo riết của địch, các tổ chức tan rã. Tháng 6/1940, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, Ban Tỉnh ủy Thái Bình được kiện toàn, ban huyện ủy các huyện cũng được củng cố, thành lập lại, các tổ chức chính trị như Đoàn Thanh niên phản đế, Hội Phụ nữ phản đế, Hội Nông dân phản đế lần lượt được thành lập. Các cuộc đấu tranh nửa công khai, nửa bí mật tiếp tục được lãnh đạo phát động.  

 

Cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Thái Bình diễn ra khá sớm. Bắt đầu từ phủ Thái Ninh, lực lượng cách mạng đã lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ nổi dậy giành chính quyền tại các huyện trong tỉnh. Chỉ trong 6 ngày, chính quyền từ tỉnh, huyện đến làng xã đã về tay nhân dân. Trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, tuy còn gặp nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Bình đã cùng nhân dân cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, huy động toàn dân tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng làng kháng chiến chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Chỉ trong hơn 4 năm chuẩn bị kháng chiến, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã xây dựng đội ngũ đông đảo hơn 180.000 người. Thái Bình trở thành tỉnh có tỷ lệ người tham gia lực lượng vũ trang so với dân số cao nhất Liên khu 3 (xấp xỉ 1/5 dân số), toàn tỉnh xây dựng hơn 400 làng kháng chiến. Thực hiện âm mưu bình định, chiếm đóng, ngày 8/2/1950, Pháp chính thức mở chiến dịch đánh chiếm Thái Bình. Không nhụt chí trước những cuộc càn quét gắt gao của giặc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thái Bình huy động toàn diện các lực lượng kiên cường đánh trả cuộc tiến công chiếm đóng và bình định của thực dân Pháp. Việc đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển chiến tranh nhân dân được thực hiện hiệu quả tại Thái Bình. Khắp nơi trong tỉnh, nhân dân đã chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nuôi bộ đội, thương binh. Với những trận chiến dữ dội, táo bạo của quân và dân Thái Bình, ngày 20/1/1954, quân Pháp buộc phải chấm dứt các cuộc càn quét trên địa bàn tỉnh với nhiều tổn thất nặng nề. Kết thúc giai đoạn 1953 - 1954, quân dân Thái Bình đã ở thế áp đảo đối với quân địch. Cùng với cả nước dồn sức cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn quần chúng xung phong làm dân công gánh thóc vượt sông Hồng chuyển ra chiến trường. Trên 3.000 thanh niên Thái Bình đã được tuyển chọn bổ sung cho bộ đội chủ lực, nhân dân đóng góp hàng chục tấn tặng phẩm gửi các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, chớp thời cơ tiêu diệt địch, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa bộ đội và du kích lên hoạt động mạnh, đẩy mạnh địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Liên tiếp tổ chức tiến công địch tại các địa bàn trọng yếu, ngày 30/6/1954, toàn bộ quân Pháp lặng lẽ tháo chạy khỏi Thái Bình. Ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, đặt một dấu son lịch cử cho ngày giải phóng hoàn toàn Thái Bình sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

 

(Tổng hợp từ Địa chí Thái Bình và Lịch sử Đảng bộ Thái Bình)

 

“Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Thái Bình luôn nhận thức đúng đắn vai trò của nông dân, phát động nông dân đấu tranh cách mạng, thực hiện đoàn kết khối liên minh công nông; đoàn kết các lực lượng, tranh thủ các tầng lớp trung gian về phía cách mạng. Qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Thái Bình cũng đã trải qua nhiều đợt khủng bố ác liệt của kẻ thù. Tuy vậy chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng. Hầu hết cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thái Bình bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc vẫn tiếp tục đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Nhờ vậy, sau khi mãn hạn tù, hoặc vượt ngục trở về, nhiều đồng chí đã trưởng thành về nhiều mặt, nhanh chóng hòa nhập vào phong trào cách mạng; bắt mối, liên lạc, tiếp tục hoạt động; một số đồng chí còn trở thành trung tâm, đầu mối tập hợp lực lượng, phục hồi phát triển phong trào”.

 

(Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày