Thứ 2, 07/07/2025, 23:42[GMT+7]

Hạt thóc Thái Bình góp sức cùng cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược (kỳ 1)

Thứ 2, 09/03/2015 | 10:36:59
3,397 lượt xem
Tỉnh Thái Bình được thành lập năm 1890 nhưng miền đất này đã có cách nay hàng nghìn năm. Từ xa xưa, Thái Bình nổi tiếng là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng. Trải qua quá trình đối mặt, vật lộn với thiên nhiên đầy khắc nghiệt, quai đê lấn biển, cải tạo đất sình lầy, chua mặn thành những cánh đồng phì nhiêu thẳng cánh cò bay, người dân Thái Bình nổi tiếng cả nước với truyền thống cần cù lao động, dũng cảm chinh phục thiên nhiên và kiên cường trong các cuộc đấu tranh cách mạng...

Người dân Thái Bình phơi thóc ở sân đình, cách đó không xa vẫn đang có tiếng nổ vọng lại và ở miền Nam, chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Ảnh: Nhà báo ISICAOA BUNDO (Nhật Bản).

 

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Thái Bình có 1,05 triệu người với 316.115 mẫu ruộng, trong đó ruộng đất của địa chủ, phú nông chiếm tới 13% trong khi họ chỉ chiếm có 2,8% dân số, tính ra bình quân phú nông sở hữu 11.100 - 18.342m2 ruộng đất/người, địa chủ 72.000m2/người, trong khi cố nông chỉ có 94m2/người. Người nông dân với thân phận làm thuê cày mướn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn đói cơm rách áo, đời sống cực khổ, thương đau.

 

Thuế thân từ 0,5 hào đến 1 đồng rồi tăng lên 2,5 đồng/suất - 1 canh điền khỏe làm thuê cật lực nửa năm mới đủ tiền nộp thuế thân 1 suất cả năm, còn cộng thêm các khoản tạp chi gọi là thập phân.

 

Thuế thân là mối lo sợ hàng năm của người nông dân, cứ đến vụ thuế là họ phải bổ nhào đi vay nặng lãi, bán lúa non, cầm cố ruộng đất cho nhà giàu. Trên sân đình lại diễn ra cảnh cường hào bắt bớ, giam cầm, đánh đập nông dân thiếu thuế đầy uất ức, thảm thương.

 

Có áp bức tất có đấu tranh, những thân phận làm thuê, cấy mướn với gậy gộc, giáo mác đã vùng lên như sóng biển trào dâng, biểu tình đòi phong kiến, đế quốc phải chia lại ruộng đất, giảm tức, giảm sưu cao thuế nặng, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân 3 huyện Tiên - Duyên - Hưng ngày 1/5/1930 và nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930.

 

Cuối năm 1944, để phục vụ mục đích chiến tranh, Nhật - Pháp bắt  nhân dân Thái Bình phá lúa màu chuyển sang trồng đay, thầu dầu bán cho chúng với giá vô cùng rẻ mạt chỉ 38 đồng/tạ, trong khi giá thị trường 158 - 198 đồng/tạ.

 

Hậu quả cộng hưởng của bỏ lúa trồng đay, sưu cao thuế nặng, lạm phát, khủng hoảng đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp vàng trời, vàng mắt, cào ruột xé gan. Nạn đói bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1944 và đỉnh điểm là đầu năm Ất Dậu 1945 hậu quả tang thương, thảm khốc chưa từng có trong lịch sử nước Việt. Họa diệt thân chỉ trong thời gian ngắn đã cướp đi 28 vạn sinh mạng, chiếm gần 1/3 số dân trong tỉnh, đó là một cái tang lớn phủ lên toàn tỉnh và là sự ám ảnh, là hồi ức đẫm lệ cho muôn đời sau.

 

Nhiều làng xã người chết đói chiếm quá nửa dân số, không ít gia đình, dòng họ chết đói không còn một ai. Làng Sơn Thọ có 1.028 người thì chết đói 936 người; làng Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.154 người thì chết đói 1.814 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 3.627 người thì chết 1.822 người, có 271 hộ chết cả nhà; xã Vũ Quý (Kiến Xương) có 158 gia đình chết không còn một ai.

 

Trong hoàn cảnh ấy, cùng cả nước, Thái Bình phẫn nộ lửa hờn căm. Nông dân đã tập hợp xung quanh Mặt trận Việt Minh tổ chức lực lượng võ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng nổi dậy tổng khởi nghĩa. Chỉ trong 6 ngày, từ 18 - 23/8/1945, chính quyền huyện đến tổng, làng đã về tay nhân dân, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, trở thành dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Niềm vui phấn khởi của người dân vừa đến thì những khó khăn, thử thách mới lại ập tới. Những ngày cuối tháng 8/1945, đê Đìa (Hưng Nhân) phía Bắc và đê Mỹ Lộc phía Nam tỉnh bị vỡ, hầu hết các huyện trong tỉnh bị lụt, lúa vụ mùa bị ngập, hoa màu và tài sản của nhân dân chìm trong biển nước. Thời điểm đó, đất nước đang đứng trước nguy cơ thù trong giặc ngoài  “ngàn cân treo sợi tóc”, nạn đói có nguy cơ tiếp diễn. Dù bận trăm công nghìn việc, Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian vào tháng 1/1946 và tháng 4/1946 về thăm, động viên nhân dân Thái Bình khắc phục nạn lụt. Thực hiện lời dạy của Bác, toàn tỉnh đã nhanh chóng hoàn thành hàn khẩu 2 đoạn đê vỡ.

 

Cùng với biện pháp cấp bách của chính quyền, ta tịch thu của Nhật 920 tấn thóc đưa ra cứu tế nhân dân. Sau đó là phong trào sản xuất với khẩu hiệu “cấy hết diện tích” “không bỏ ruộng hoang”, “mỗi tấc đất là một tấc vàng”.

Thực hiện sắc lệnh bỏ thuế thân, giảm tô 25%, giảm tức, đến giữa năm 1946 đã cấp 85.876 mẫu ruộng tịch thu của phong kiến, việt gian chia cho dân nghèo, miễn hẳn thuế vùng lũ lụt, miễn thuế ruộng vỡ hoang. Nông khố cho nhân dân vay vốn cày cấy, mua thóc giống - những biện pháp và chính sách tài chính đã góp phần động viên nhân dân an tâm, phấn khởi sản xuất, vụ chiêm năm 1946 lúa, hoa màu bội thu, nạn đói được đẩy lùi.

 

Nông dân Thái Bình lợi dụng sức gió để rê thóc sau vụ gặt. Ảnh: Nhà báo ISICAOA BUNDO (Nhật Bản)

 

Nhân dân Thái Bình hưởng ứng các cuộc vận động của Chính phủ “Tuần lễ vàng” “Quỹ độc lập”, “Công phiếu kháng chiến”,  “Công trái quốc gia” đều vượt kế hoạch giao. Từ năm 1946 - 1949, Thái Bình vẫn là vùng chưa bị giặc Pháp đánh chiếm - là hậu phương của Quân  khu 3 và đồng bằng Bắc Bộ.

 

Cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Để khắc phục khó khăn trước mắt về lương thực,  chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, ngày 20/8/1949 Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: “Tôi lấy danh nghĩa cá nhân và nhờ đồng bào giúp tôi, tôi muốn nhờ đồng bào, mỗi gia đình bán cho tôi 10kg gạo để khao quân dịp Quốc khánh”.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, một phong trào sôi nổi trong các làng, xã đăng ký bán thóc cho Cụ Hồ khao quân. Thái Bình hồi đó ở đâu cũng phát đi bài ca dao tuyên truyền vận động gây không khí phấn khởi: “Hai bà đi chợ nhỏ to - kháo chuyện Cụ Hồ mua thóc khao quân - gia đình tôi quyết thi đua bán chỗ thóc thừa để Cụ khao quân. Tôi thì gia cảnh khó khăn, mớ rau, mớ cỏ kiếm ăn lần hồi - nhà nghèo Cụ dặn rằng thôi, nhưng cả đời  người mới có dịp may. Tôi bàn bố cháu đi vay - để bán cho Cụ rồi xoay trả dần”  (Giang Đức Tuệ). Tiêu biểu như gia đình ông Ngoạn, thôn An Định - Thụy Anh dâng lên Cụ 1 con trâu và 1 tạ thóc, để Cụ khao quân. Kết quả toàn tỉnh bán 1.730 tấn thóc, vượt xa mức kế hoạch Liên khu 3 giao.

 

Từ tháng 2/1950, Thái Bình bị giặc Pháp đánh chiếm hoàn toàn, hầu hết các làng xã chúng lập đồn bốt và chính quyền tay sai tề dõng “xóm làng bốt giặc đan ken - Thái Bình tạm sống những đêm não nùng”. Chúng bắt thanh niên đi lính, bắn giết trâu bò để không có lực lượng sản xuất nông nghiệp, phá hoại cống đập để không có nước cày cấy nhằm mục đích triệt phá hậu phương Quân khu 3. Thực hiện khẩu hiệu đốt sạch, phá sạch, hơn 4 năm (1950 - 1954) địch tổ chức 6.349 trận càn quét, bình quân 4 trận/1 ngày. Hầu hết các làng xã bị đốt phá, xe pháo quần nát ruộng đồng. Nhiều cuộc thảm sát đẫm máu như “đống xương Phương Xá”,  “Địa ngục Quỳnh Lang”, hàng nghìn người bị sát hại man rợ thảm thương.

 

(còn nữa)

 

Nguyễn Dương An

                     (Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa