Thứ 7, 27/07/2024, 23:16[GMT+7]

Hạt thóc Thái Bình góp sức cùng cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược (kỳ 2) 

Thứ 3, 10/03/2015 | 08:15:44
2,327 lượt xem

Nông dân Thái Bình dùng gầu dây tát nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Nhà báo ISICAOA BUNDO (Nhật Bản)

 

(Tiếp theo và hết)

 

Trong 4 năm 1950 - 1954, quân dân Thái Bình nổi dậy diệt ác, phá tề, từng bước giành lại đất, lập chính quyền cách mạng, vùng du kích từng bước mở rộng, đan xen, ban ngày địch kiểm soát ban đêm thuộc về ta. Ðịch bắn phá ban ngày, đêm nhân dân ra đồng cày cấy; đàn bà, ông bà già kéo cày thay trâu, quyết tâm cấy hết diện tích, một số nơi nhân dân kéo nhau lên đồn địch đòi trả lại ruộng quanh đồn để cày cấy.

 

Năm 1950, một chuyển hướng quan trọng về tài chính nhà nước là việc thu chủ yếu bằng thóc “quỹ công lương” thay “quỹ kháng chiến”, triển khai sắc lệnh thuế điền thổ, quỹ công lương. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, ta vẫn cố gắng triển khai tính thuế, lập sổ bộ, vận động nhân dân vùng tạm chiếm đêm đêm gánh thóc vượt đường, đồn bốt ra vùng tự do giao nộp thuế. Thời kỳ này, tỉnh lập ban tiếp vận chuyển hàng trăm tấn thóc lên Việt Bắc phục vụ Chiến dịch Biên giới.

Năm 1951 - 1953, thực hiện sắc lệnh thuế nông nghiệp, Thái Bình vẫn trong hoàn cảnh “cài răng lược” giữa vùng địch và vùng ta. Trên các chòi gác ở các làng vang lên bài hát “Ðóng nhanh lúa tốt” của nhạc sĩ Lê Lôi: “Lúa nhiều chiến thắng càng to, đồn tây cày đổ câu hò lại vang”, có sức động viên cổ vũ rất cao lòng yêu nước của nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Hồ Chủ tịch luôn quan tâm theo dõi tình hình Thái Bình đánh giặc, sản xuất, thu thuế nông nghiệp.  Người gửi thư khen Anh hùng Nguyễn Thị Chiên trong vụ thuế nông nghiệp chị đã thức 30 đêm liền tuyên truyền, giải thích từng nhà, từng người, nhiều người lạc hậu thấy chị thành khẩn đều cảm động và trở nên hăng hái.

 

Thời kỳ này tỉnh triển khai chính sách đấu tranh giảm tô, năm 1953 chính sách thuế nông nghiệp sửa đổi giảm bớt đóng góp cho nhân dân nghèo và tăng mức đóng thuế của phú nông địa chủ.

 

Sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối với công tác thuế nông nghiệp, Tỉnh ủy ra Nghị quyết “Phải hoàn thành nhiệm vụ thuế nông nghiệp, kiên quyết truy thu thuế nợ đọng của địa chủ, phú nông”. Năm 1953, toàn tỉnh thu được 21.800 tấn thóc, tăng 2 lần so với năm 1952, truy thu 3.526 tấn thóc thuế khê đọng. Ðến tháng 6/1954, toàn tỉnh đã thu 63.600 tấn thóc thuế nông nghiệp góp phần quan trọng phục vụ các chiến dịch lớn, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954.

 

Có nhìn thấu suốt bối cảnh lịch sử thời kỳ khói lửa bom đạn chiến tranh ác liệt lúc đó mới thấy được  nhân dân Thái Bình đã từng thấm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và máu để làm ra hạt thóc góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Thái Bình tháng 6/1954 và cùng quân dân cả nước buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thái Bình vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng 8 chữ vàng: “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”.

 

Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thái Bình cùng quân dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ và chính quyền tay sai. Dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (5/8/1964), đế quốc Mỹ lấy cớ để mở rộng chiến tranh bằng không quân ra cả miền Bắc. Từ ngày 13/8/1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thái Bình, tuy không phải trọng điểm về quân sự nhưng chúng đánh phá Thái Bình với dã tâm phá hoại kinh tế, phá “kho người”, kho lương thực lớn chi viện cho chiến trường. Chúng đã sử dụng 7.783 lần máy bay các loại đánh vào 1.616 mục tiêu, hầu hết các xã trong tỉnh bị đánh phá. Chúng đã dội xuống đất Thái Bình 2.425 tấn bom đạn làm chết 1.544 người. Trong hoàn cảnh ác liệt, quân dân Thái Bình vẫn quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, đánh trả làm thất bại âm mưu phá hoại về kinh tế và làm nao núng, hoang mang về tinh thần nhân dân.

 

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Thái Bình vẫn củng cố vững chắc các hợp tác xã nông nghiệp, lực lượng quan trọng bậc nhất để phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hậu phương với khẩu hiệu “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ, ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày” (Bài ca năm tấn). Nhờ sự phối hợp đồng bộ của những chính sách tài chính và xã hội, đặc biệt là sự quyết tâm của nhân dân “tay cày, tay súng”, vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn thử thách, năm 1966, giữa lúc chiến tranh ác liệt Thái Bình đạt 5,044 tấn/ha. Cùng thời gian này Thái Bình bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Ðây là một chiến công to lớn, thắng lợi vẻ vang, thành tích kỳ diệu của Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, làm nức lòng quân dân cả nước. Thái Bình trở thành “Quê hương 5 tấn”. Nhân sự kiện lịch sử này, giữa lúc chiến tranh ác liệt, dù trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành cho Thái Bình tình cảm đặc biệt. Ngày 1/1/1967, Hồ Chủ tịch về thăm Thái Bình lần thứ 5, Bác thay mặt Trung ương Ðảng, Chính phủ hoan nghênh quân dân Thái Bình đã sản xuất giỏi, chiến đấu tốt, là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

 

Thực hiện lời Bác dạy, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình tạo ra sức mạnh vượt bậc, toàn tỉnh dấy lên cao trào thi đua, trên những cánh đồng dựng khẩu hiệu “Cánh đồng 5 tấn chống Mỹ”, “Dũng sĩ 5 tấn”. Năng suất lúa tăng lên không ngừng, năm 1967 đạt 5,7 tấn/ha, năm 1972 chiến tranh ác liệt vẫn đạt 6,155 tấn/ha, năm 1974 đạt 7,090 tấn/ha, sản lượng thóc năm 1966 đạt 458.041 tấn, năm 1974 đạt 556.413 tấn.

 

Thái Bình nêu khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Tất cả vì miền Namon> ruột thịt”. Ðời sống nhân dân Thái Bình lúc đó gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn thắt lưng buộc bụng dành thóc đóng thuế nông nghiệp và bán thóc nghĩa vụ phục vụ chiến trường miền Namon>.

 

“Quê ta hạt thóc chia ba

Phần vào tiền tuyến, phần ra công trường

Một phần dành lại hậu phương

Ðể đánh thắng giặc, tình thương thêm dầy”

 

Trong 10 năm (1965 - 1975), toàn tỉnh huy động trên 1 triệu tấn lương thực; đặc biệt, vào những thời điểm quyết liệt, chiến trường miền Nam kêu gọi, nhân dân Thái Bình dốc sức chi viện. Năm 1970 số thóc huy động cho Nhà nước là 89.305 tấn, năm 1974 là 110.000 tấn, gần bằng 2 năm 1968 - 1969, trong đó thuế nông nghiệp 45.850 tấn, tỷ lệ huy động bình quân trên 20% sản lượng thóc toàn tỉnh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thái Bình vận động mỗi xã viên cho Nhà nước vay 5kg thóc để chi viện cho chiến trường.

 

Là tỉnh huy động cao nhất lương thực cho tiền tuyến, diện tích canh tác Thái Bình chỉ chiếm 5% nhưng đã huy động được số lương thực cho Nhà nước chiếm 10 - 12% tổng số lương thực huy động của miền Bắc tiếp viện cho chiến trường miền Nam vào thời điểm lịch sử quyết liệt nhất, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân. Phó Thủ tướng Nguyễn Hữu Dực ký thư khen “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”.

 

Nhân dân Thái Bình cũng đã huy động số thanh niên nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tới 10,24% so với số dân, được Chính phủ ghi nhận và khen thưởng là tỉnh huy động lực lượng quân số tỷ lệ cao nhất miền Bắc (Nghệ Tĩnh 9,6%, Nam Hà 9,3%, Hải Hưng 9,04%, Ninh Bình 9,0%, Hòa Bình 8,2%, Vĩnh Phú 8,6%, Thanh Hóa 8,1%). Thái Bình cũng đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi 44 máy bay Mỹ, bắn cháy 4 tàu chiến, bắt sống 2 tên giặc Mỹ, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Thái Bình vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Nguyễn Dương An

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày