Chủ nhật, 24/11/2024, 07:01[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 Không đưa bưu điện văn hóa xã vào Luật Bưu chính

Thứ 7, 29/05/2010 | 09:39:42
1,562 lượt xem
Trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí không nên đưa điểm bưu điện văn hóa xã vào Luật Bưu chính bởi tại nhiều tỉnh, thành phố mô hình này đã kết thúc sứ mạng lịch sử của nó.

Tại khu vực đô thị lớn, các điểm BĐVHX không còn cần thiết Ảnh: Hoàng Hà

Theo ban soạn thảo luật, trước đây, điểm bưu điện văn hóa xã là một trong những loại hình phục vụ bưu chính ở cơ sở nhưng có thêm chức năng giúp người dân tiếp cận miễn phí với kiến thức pháp luật khoa học, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động các điểm bưu điện văn hóa xã đã thay đổi do cả điều kiện chủ quan lẫn khách quan.

Tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn việc duy trì là cần thiết nhưng ở các tỉnh, thành phố lớn, người dân không có nhu cầu giao dịch tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Tiếp tục duy trì tại các địa bàn này sẽ gây lãng phí tài sản của nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tích hợp các nhiệm vụ khác vào điểm bưu điện văn hóa xã như thông tin, văn hóa, thư viện, pháp luật… sẽ thay đổi tùy theo chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn. Về mặt bản chất, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền trên cả nước, vai trò lịch sử của điểm bưu điểm văn hóa xã đã kết thúc tại rất nhiều tỉnh, thành phố.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất không nên quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã trong Luật mà sẽ quy định tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ để đảm bảo sự linh hoạt và tính khả thi.

Đồng tình với giải thích của Ủy ban thường vụ nhưng đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) vẫn cho rằng cần thiết phải ghi quy định về điểm bưu điện văn hóa xã vào luật, chứ không nên chỉ ghi trong các văn bản hướng dẫn. Lý do mà đại biểu này đưa ra là điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lại đưa ra một thực tế, ở các xã hiện nay đều có các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, thư viện cho người dân đến sinh hoạt. Nếu tiếp tục duy trì các điểm bưu điện văn hóa xã thì sẽ gây chồng chéo, lãng phí. Vì thế, đại biểu này đề xuất việc cân nhắc, tính toán cẩn thận với các điểm bưu điện văn hóa xã để đảm bảo tính hiệu quả.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Tâm, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh (Bình Định) bổ sung, người dân giờ hay đến sinh hoạt cộng đồng ở nhà văn hóa thôn hơn là đến điểm bưu điện văn hóa xã.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, trong bất kỳ trường hợp nào thì Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân trong việc đem lại cho người dân những lợi ích cao nhất từ các điểm bưu điện văn hóa xã.

Tại các tỉnh, thành phố lớn thì điểm bưu điện văn hóa xã không còn cần thiết nhưng ở các vùng biên giới, các huyện nghèo thì vẫn được tăng cường đầu tư. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết sẽ tăng cường đầu tư cho điểm bưu điện văn hóa xã tại 241 xã biên giới và các huyện nghèo.

Theo dự kiến, Luật Bưu chính sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 17/6.

Hoàng Ly

  • Từ khóa