Thứ 3, 21/05/2024, 01:16[GMT+7]

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2015) Tư tưởng Lênin soi sáng đường cách mạng Việt Nam

Thứ 4, 22/04/2015 | 09:28:17
2,126 lượt xem
Từ sự kiện “10 ngày rung chuyển thế giới” trong nửa đầu tháng 11/1917, con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa được hình thành, phát triển và được kiểm nghiệm đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân loại tiến bộ, lôi cuốn hàng tỷ người trên thế giới noi theo. Năm 1919, V.I.Lênin cùng lãnh tụ cách mạng các nước lập nên Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) để lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25/5/1919. Ảnh tư liệu.

 

Sinh thời, Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò vĩ đại của V.I.Lênin: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác - Ăngghen. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Cuộc đời hoạt động và đạo đức cách mạng của Lênin là tấm gương sáng ngời và là niềm tự hào của đất nước chúng ta. Tên tuổi của Lênin đã trở thành tượng trưng cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tượng trưng cho lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân, của quần chúng lao động bị áp bức trên toàn thế giới.

 

Ngay từ những ngày đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Namon> từ những lời dạy của Lênin. Đó là trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường giải phóng cho dân tộc khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên báo L’Humanité (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) trong hai số liên tiếp ngày 16 và 17/6/1920. Người đã tìm thấy lời giải cho câu hỏi: Đâu là con đường giải phóng đồng bào khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân?

 

Từ lần gặp đầu tiên, qua Luận cương, ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chinh phục hoàn toàn Nguyễn Ái Quốc. Trước hết là sự chinh phục về mặt tình cảm, được nung nấu bằng khát vọng cứu nước đang hàng ngày sôi sục trong trái tim người thanh niên yêu nước.

 

Do vậy, hơn 90 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã sung sướng, cảm động biết bao khi nhận ra sức mạnh kỳ diệu của chủ nghĩa Lênin. Bác Hồ là người Việt Namon> đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Lênin và truyền bá vào nước ta. Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Là học trò xuất sắc của Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện nước ta, đặc biệt là lý luận cách mạng dân tộc và thuộc địa.

 

Ngay từ giữa thập kỷ 20 của thế kỷ trước, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

 

Lênin rất coi trọng vai trò của các dân tộc phương Đông, có cả Việt Namon> trong việc tham gia quyết định số phận chủ nghĩa đế quốc thế giới. Người cho rằng, điều đặc biệt quan trọng để xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự gương mẫu “sống trong lòng quần chúng”, phải là những cán bộ của quần chúng, do quần chúng và phục vụ lợi ích, hạnh phúc của quần chúng nhân dân. Điều đó có nghĩa là, cán bộ phải là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có đầy đủ đức và tài, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, có năng lực phục vụ nhân dân, có trình độ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Lênin cho rằng, trong xây dựng đội ngũ cán bộ cần phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng; kiên quyết “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người, và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra”. Lênin đòi hỏi Đảng và mọi đảng viên phải dám nhìn nhận những sai lầm và kiên quyết sửa chữa những sai lầm đã phạm phải. Người xem đó là tiêu chuẩn của một đảng thật sự nghiêm túc, một đảng có tinh thần trách nhiệm trước giai cấp và trước quần chúng…

 

Vận dụng tư tưởng của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước ta vượt qua bao gian nan, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, với những mốc son chói lọi: tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975.

 

Trong gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đó chính là được dẫn dắt và soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin; Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng.

 

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh V.I.Lênin, chúng ta nguyện kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng, phát triển sáng tạo những tư tưởng của Lênin, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Nguyễn Thanh Hoàng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày