Thứ 6, 02/05/2025, 12:32[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái(1/5/1915-1/5/2015) Đồng chí Hoàng Văn Thái- Những năm đầu hoạt động cách mạng

Thứ 2, 27/04/2015 | 09:13:02
3,111 lượt xem
Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nội, thân phụ là cụ Hoàng Văn Thuật là người từng dạy chữ nho của tổng Đại Hoàng và cụ từng tham gia hội văn thân yêu nước ở địa phương những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX.

Đồng chí Hoàng Văn Thái (người cầm cờ) vinh dự được đứng trong hàng ngũ 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

 

Năm 18 tuổi, Hoàng Văn Xiêm đi làm phu thợ ở mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh) sau đó làm phu thợ tại mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Tại đây, Hoàng Văn Xiêm được giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào đấu tranh của công nhân do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Năm 1936, đồng chí trở về Tiền Hải hoạt động. Lúc này, phong trào Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương đang phát triển. Vốn có kinh nghiệm tham gia tổ chức đoàn thể của phu mỏ, đồng chí đã vận động thanh niên trong làng thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, tham gia tổ chức các hội ở địa phương như: hội hiếu, hội tương tế, hội đá bóng, hội nhạc âm, hội đọc báo... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Trung Khuyến (cán bộ do Tỉnh ủy phân công phụ trách hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải), đồng chí Hoàng Văn Xiêm đã mở lớp dạy nhạc âm để tập hợp thanh niên tham gia hoạt động đoàn thể. Chỉ sau vài tháng, số học viên trong làng tham gia các hội phát triển nhanh. Bên cạnh hội nhạc âm, Hội Tương tế do ông Lương Thúy làm Hội trưởng và đồng chí Hoàng Văn Xiêm làm Thư ký cũng tập hợp được số lượng hội viên lên tới 170 người. Qua những hoạt động đó, đồng chí đã cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính, đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ. Với những hoạt động tích cực của mình, tháng 5 năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ đảng An Khang, khi đó toàn huyện Tiền Hải (Thái Bình) mới chỉ có một chi bộ 5 đảng viên).

 

Tháng 9 năm 1940, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giải về phủ Kiến Xương giam giữ cùng đồng chí Ngô Duy Phớn (người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” ở Thái Bình) - là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng ở Tiền Hải. Với tinh thần đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, thực dân Pháp không tìm được chứng cứ buộc tội đồng chí Hoàng Văn Xiêm, buộc phải để đồng chí tại ngoại.

 

Lợi dụng việc tại ngoại chờ ngày xét xử, sáng ngày 15 tháng 11 năm 1940, với mật lệnh “Sáng ngày 15 tháng 11 sang nhà anh Bê ở Kênh Son đi gặt”, đồng chí đã được tổ chức bố trí bí mật thoát ly khỏi địa phương, chuyển lên hoạt động ở vùng Hiệp Hòa, Lạng Giang (Bắc Giang) trong vai trò một phó cối với tên mới là Hoàng An.

 

Trong thời gian hoạt động ở đây, đồng chí Hoàng Văn Xiêm đã cùng các đồng chí của mình xây dựng phong trào, phát triển lực lượng tự vệ; tham gia lớp huấn luyện của Đảng tổ chức tại đây. Kết thúc khóa học, đồng chí đã được đồng chí Huy (đồng chí Lương Văn Tri - Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ) giao nhiệm vụ bí mật trở về địa phương, mở lớp huấn luyện quân sự. Do địch khủng bố gắt gao, đồng chí phải rời quê, lên lại Bắc Giang rồi sau đó được phân công tham gia xây dựng và làm Đội trưởng đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (tháng 3 năm 1941).

 

Tháng 9 năm 1941, đồng chí được Đảng cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu - Trung Quốc với bí danh là Quốc Bình và được phân công làm trưởng đoàn học sinh Việt Nam. Tháng 10 năm 1944, đồng chí trở về nước với bí danh mới là Hoàng Văn Thái. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Xiêm được gắn với tên mới là Hoàng Văn Thái.

 

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thái vinh dự được đứng trong hàng ngũ 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và đồng chí là người cầm lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc trong buổi lễ đó.

 

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ tập kích đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); 7 giờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 1944, tập kích đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết chết hai tên đồn trưởng của hai đồn, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, theo đề nghị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngày 7 tháng 9 năm 1945 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thái thành lập Bộ Tổng Tham mưu, Người chỉ rõ: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ: tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta cho rõ ràng, bầy mưu tính kế cho khôn khéo, tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”. Đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới tròn 30 tuổi và là người đầu tiên xây dựng, phát triển cơ quan Bộ Tổng Tham mưu của quân đội ta.

 

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn là vị tướng xuất sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa sự nghiệp cách mạng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với những cống hiến xuất sắc của mình trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thái đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Là vị tướng trận mạc đã trải qua thực tiễn hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng là “người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

 

Ghi nhận công lao, cống hiến của một vị tướng tài giỏi, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí Hoàng Văn Thái nhiều phần thưởng cao quý như: truy tặng Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng nhất, nhì, ba); Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhất, nhì, ba); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương Quân kỳ quyết thắng... và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Hoàng Văn Thái, những ngày qua, trên quê hương Thái Bình, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều hoạt động thiết thực để tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Hoàng Văn Thái - nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào về những công lao, đóng góp của Đại tướng Hoàng Văn Thái với lực lượng vũ trang nhân dân, với đất nước, với dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử, văn hóa và ý chí kiên cường trong đấu tranh cách mạng, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Bình ổn định vững chắc về chính trị; giàu về kinh tế; đẹp về văn hóa, cảnh quan; mạnh về quốc phòng, an ninh, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Đàm Văn Vượng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa