Thứ 4, 15/01/2025, 20:06[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Hoàng Văn Thái(1/5/1915-1/5/2015) Vị tướng đức độ của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ 5, 30/04/2015 | 09:55:41
2,752 lượt xem
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái không chỉ được biết đến là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhà lãnh đạo, chỉ huy quân sự xuất sắc, ông còn được ca ngợi và tôn vinh về sự đức độ của một vị tướng.

Đồng chí Hoàng Văn Thái (người ngồi giữa) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam năm 1967. Ảnh tư liệu.

 

Đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của Đảng và quân đội, Đại tướng Hoàng Văn Thái vẫn giữ lối sống giản dị trong sinh hoạt, khiêm tốn và gần gũi với mọi người. Là cán bộ có nhiều cống hiến, nhưng vốn có đức tính khiêm tốn, Đại tướng không bao giờ nhận công lao, thành tích về mình.

 

Trong công việc, Đại tướng luôn thể hiện tính nghiêm túc và tính đòi hỏi cao, còn trong cuộc sống đời thường, ông độ lượng, hòa nhập, không định kiến hoặc phân biệt đối xử. Ông luôn tin tưởng vào cán bộ cấp dưới, lắng nghe cấp dưới khêu gợi tư duy và giúp cấp dưới cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong công tác của mình. Khi cấp dưới có những vấn đề chưa thống nhất, có những ý kiến chưa nhất trí, ông thường thuyết phục với thái độ thân ái, chân thành để họ nhận ra cái đúng, cái tất yếu. Điều đó giúp cán bộ dưới quyền mạnh dạn bộc lộ tâm tư, đề đạt nguyện vọng mà không sợ bị nhận xét, đánh giá, định kiến.

 

Là người đứng đầu cơ quan tham mưu chiến lược, công việc rất bận, luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Trong khi gặp khó khăn, mình phải kiên định, giữ vững đạo đức, phẩm chất và nhân cách của người đảng viên, luôn luôn nhiệt tình với cách mạng, rèn luyện và học tập để thanh thản vững bước đi lên”. Ông chỉ thị cho cán bộ quản lý hành chính phải luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, tìm mọi biện pháp để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho toàn cơ quan. Ông rất quan tâm đến cuộc sống gia đình, hậu phương của bộ đội. Vì vậy, mọi người khi vui cũng như lúc buồn, ai đến với ông cũng đều mang theo niềm tin và hy vọng tìm được ở ông một sự an ủi, chia sẻ và một niềm cảm thông.

 

Tình yêu thương cán bộ, chiến sĩ của ông không dừng lại ở sự gần gũi, thông cảm, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất cho bộ đội mà còn là sự mưu lược, cân nhắc cho kỹ lưỡng làm sao thắng địch nhưng tổn thất cho bộ đội ít nhất. Với ông, xương máu của bộ đội là điều đáng quý nhất. Ông xót xa khi nhìn thấy máu của bộ đội phải đổ trên chiến trường. Trước mỗi trận đánh, Đại tướng luôn yêu cầu cấp dưới phải tổ chức nghiên cứu kỹ tình hình mọi mặt để tổ chức đánh địch cho tốt, nhưng phải hạn chế tối đa thương vong của ta; phải biết trân trọng từng giọt máu của chiến sĩ. Và sau mỗi chiến dịch, khi nghe báo cáo về kết quả chiến đấu, điều ông đặc biệt quan tâm là tình hình thương vong của bộ đội.

 

Trong các trận chiến đấu, dù là Tổng Tham mưu trưởng hay Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Namon>..., ông luôn sâu sát bộ đội. Nhiều lần ông xuống trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội chỉ đạo chiến đấu vào những lúc ác liệt nhất. Ông còn là người trực tiếp thị sát chiến trường để lên kế hoạch tác chiến. Có thời điểm ông còn trực tiếp xuống chiến hào cùng bộ đội tổ chức đội hình chiến đấu. Trong trận Đông Khê (1950) dưới làn bom đạn, đồng chí Hoàng Văn Thái vẫn bình tĩnh quan sát và chỉ huy bộ đội. Để tránh nguy hiểm, cấp dưới đề nghị đưa đồng chí về Sở Chỉ huy Mặt trận, hoặc lui vào hầm, đồng chí từ chối: “Để tôi ở lại quan sát trận chiến... Để cùng tạo thế chiến dịch với các cậu chứ”.

 

Vào cuối năm 1956, khi Tổng cục Cán bộ ra đời, có ý kiến thăm dò việc cử đồng chí Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm. Đồng chí có ý kiến ngay: “Trên giao nhiệm vụ gì thì tôi cũng cố hoàn thành, nhưng trong trọng trách này, tôi thấy anh Nguyễn Chánh có nhiều mặt hơn tôi, nên tôi xin đề nghị anh Nguyễn Chánh làm Chủ nhiệm. Và khi chuẩn bị phong quân hàm cấp Thượng tướng, có bốn người được đề cử chọn hai người, trong đó có đề cử Trung tướng Hoàng Văn Thái và Trung tướng Nguyễn Chánh. Trong cuộc họp về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Thái xin rút tên mình và nói: “Xét về nhiều mặt, tôi phải thấp hơn Nguyễn Chánh một bậc, vậy xin đề nghị anh Nguyễn Chánh xứng đáng là Thượng tướng”.

 

Bởi vậy, suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, công tác trên cương vị nào, ông cũng nhận được những tình cảm trân trọng và quý mến của đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước.

Ông luôn đem hết tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình với công việc, tôn trọng tập thể, luôn phát huy dân chủ và giữ gìn được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Trong công tác cũng như trong sinh hoạt, ông luôn hết sức giản dị, không bao giờ đòi hỏi cho mình những đặc quyền, đặc lợi gì ngoài những tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành. Ông luôn nhắc nhở cán bộ cấp dưới phải cảnh giác trước chủ nghĩa cá nhân, trước những lợi ích vật chất và những tiêu cực trong xã hội.

 

Ông luôn coi trọng lao động và giá trị của lao động. Khi ở Việt Bắc cũng như ở Hà Nội, lúc ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, sau giờ làm việc mỗi buổi chiều, Ông thường cùng cán bộ và chiến sĩ tổ chức tăng gia sản xuất để tự túc lương thực và thực phẩm, vừa cải thiện đời sống của bộ đội vừa đỡ một phần gánh nặng cho nhân dân.

 

Là người coi trọng thực tiễn, trên cương vị Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, mỗi khi có đồng chí về Miền họp, dù bận đến mấy, ông cũng gặp trước riêng từng người để trao đổi ý kiến. Với ai ông cũng yêu cầu nói thật kỹ tình hình địa phương, phong trào chiến tranh du kích, tình hình nhân dân, đặc biệt là tình hình cán bộ. Qua trao đổi thấy những đồng chí chưa chuẩn bị tốt báo cáo, ông tận tình hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ giúp đồng chí đó chuẩn bị kỹ về nội dung để báo cáo Quân ủy Miền hoặc Thường vụ Trung ương Cục được tốt hơn. Hàng ngày, ngoài các cuộc họp với các đồng chí ở Thường vụ Trung ương Cục, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền và các cơ quan, ông tích cực nghiên cứu tài liệu với quan điểm: “Thực tiễn của cán bộ chỉ huy ở chiến trường là bộ đội, là nhân dân, là đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, còn thực tiễn của chúng ta ở đây là cán bộ cơ quan và hoạt động của họ, là các cuộc họp nghiên cứu, là những tin tức, tài liệu, những bức điện”.

 

Nói về phẩm chất của Đại tướng Hoàng Văn Thái, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: “Ở anh Thái, cái quý nhất là không có chủ nghĩa cá nhân, anh nêu cao tinh thần chí công, vô tư, đặt việc nước, việc quân lên trên hết”. Với những phẩm chất tốt đẹp đó, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã nêu một tấm gương sáng ngời về hình ảnh người cán bộ quân đội, vị tướng đức độ của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện.

 

Đại tá Dương Hồng Anh

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Namon>

on>
  • Từ khóa