Chủ nhật, 24/11/2024, 07:04[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 Tiêm thuốc độc thay vì xử bắn tử tù

Thứ 7, 29/05/2010 | 09:42:23
23,245 lượt xem
Dự luật thi hành án hình sự được trình Quốc hội sáng 24/5 đã bỏ hình thức xử bắn đối với tử tù, chỉ còn tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, vẫn có đại biểu đề nghị giữ lại xử bắn để răn đe đối với tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Bà Lê Thị Nga: "Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc". Ảnh: TTXVN.

Từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ hình thức tiêm thuốc độc đối với tử tù, hôm nay, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp tục thuyết phục đại biểu: "Qua nghiên cứu lý luận hàng chục năm cho thấy tính răn đe, trấn áp tội phạm được thể hiện ngay ở bản án tử hình chứ không phải bởi hình thức tử hình. Mặt khác, hiện nay việc bắn tử tù chủ yếu vào lúc rạng sáng, không thông báo rộng rãi trong nhân dân, nên nếu nói giữ xử bắn để răn đe là không còn phù hợp".

Trước lo ngại việc tiêm thuốc độc quá mới, chưa có kinh nghiệm, bà Nga trấn an rằng hình thức này đã được Bộ Công an nghiên cứu nhiều năm qua. Sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu, đoàn đại biểu Quốc hội đã đi nghiên cứu tại một số nước có áp dụng hình thức tiêm thuốc độc và thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng.

Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều nhận xét: "Tiêm thuốc độc là nhân đạo nhất, nhẹ nhàng nhất đối với tử tù và cũng là tốt nhất đối với người thi hành án". Về thời gian thực hiện, ông Thiều đề nghị nên lui lại đến đầu năm 2012, thay vì từ tháng 7/2011 như dự luật để sửa các Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự vốn chỉ quy định hình thức xử bắn tử tù cho đồng bộ.

Cũng ủng hộ hình thức tiêm thuốc độc, nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chỉ đề nghị không nên giao cho bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện vì: "Trong quan niệm của nhân dân, bác sĩ chỉ cứu người, chứ không thể giết người. Việc này nên giao cho lực lượng chuyên trách của cơ quan công an và phải được huấn luyện bài bản".

Tuy nhiên, một số ít đại biểu vẫn muốn duy trì hình thức xử bắn. Ông Phạm Xuân Thường lý giải: "Xử bắn mới có tính răn đe, nhất là hiện nay có rất nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, như giết người, buôn ma túy. Để khắc phục khó khăn về trường bắn, về áp lực tâm lý của người thi hình án thì nên tập trung xây dựng một vài trường bắn trong các trại giam, thay vì tỉnh nào cũng có, và áp dụng cách bắn tự động".

Đại biểu Hoàng Văn Em và Đặng Văn Xướng kiến nghị dự luật nên quy định mềm hơn, có cả hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc. Xử bắn áp dụng đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Nên hay không cho phép thân nhân được nhận tử thi, hài cốt của tử tù là câu hỏi được đặt ra trong buổi thảo luận sáng nay. Giải thích việc không quy định điều này trong luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc cho thân nhân được nhận xác tử tù dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết, như: bảo quản tử thi, tổ chức mai táng...

Tuy nhiên, phần đông ý kiến sáng nay lại đề nghị dự luật nên cho phép thân nhân được nhận tử thi tử tù. Dẫn ra một loạt các văn bản pháp luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận luật pháp dù không quy định trực tiếp, nhưng đã gián tiếp thể hiện thân nhân, người thừa kế trực tiếp, có quyền định đoạt đối với xác tử tù.

"Vì hiện pháp luật chưa quy định rõ ràng, cộng với việc quản lý lỏng lẻo của địa phương nên lâu nay có tình trạng trộm xác, thậm chí hình thành cả đường dây trộm xác tử tù với chi phí cao. Nếu dự luật cho phép người thân được nhận xác tử tù thì sẽ tránh được những bất cập trên", bà Nga nói và đề nghị phải yêu cầu gia đình không tổ chức tang lễ linh đình, chính quyền địa phương phải giám sát.

Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Trần Bá Thiều phản ánh một thực tế là rất ít gia đình bỏ hài cốt của tử tù. Cho phép họ nhận tử thi, hài cốt của tử tù là một việc làm nhân đạo, nên làm. Việc này cũng giải quyết được mâu thuẫn hiện nay là khi gia đình có đề nghị nhận, nhưng hài cốt không còn thì ai sẽ giải quyết?

"Để tránh việc thân nhân sau khi nhận xác tử tù sẽ tổ chức tang lễ linh đình, gây mất an ninh trật tự, luật nên quy định không cho nhận xác của tử tù là người đứng đầu hoặc thành phần cốt cán của các băng nhóm tội phạm. Trường hợp được nhận xác thì gia đình phải tổ chức an táng ngay, không được tổ chức tang lễ", ông Thiều đề xuất.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh lên tiếng: "Một khi đã giao xác tử tù cho thân nhân thì không thể cấm họ tổ chức tang lễ linh đình". Ông cho rằng luật chỉ nên cho phép nhận tro cốt, chứ không phải xác tử tù vì đất đai có hạn, lại tránh được rắc rối phát sinh như phải mai táng tử tù, lo canh giữ mộ của họ, sau 3 năm không phải cải táng mất vệ sinh.

Dự luật thi hành án hình sự sẽ được hoàn chỉnh và dự kiến thông qua trong kỳ họp này.

Hồng Khánh

  • Từ khóa