Thứ 6, 27/09/2024, 20:25[GMT+7]

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 Chuyện Hy Lạp lan đến Quốc hội Việt Nam

Thứ 7, 29/05/2010 | 09:46:26
21,236 lượt xem
Bội chi ngân sách và nợ Chính phủ của Việt Nam mới bằng một phần ba Hy Lạp, nhưng bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng nợ công bên trời Tây xa xôi bắt đầu được các đại biểu Quốc hội nhắc tới.

Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XII (Ảnh: Trí Dũng)

Phiên thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cuối tuần qua nóng với chủ đề thu chi ngân sách. Bội chi 2009, theo báo cáo của Chính phủ, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, chiếm 6,9% GDP. Nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia (lần lượt bằng 41,9% và 38,9% GDP).

Tuy nhiên, các đại biểu lo lắng khi thực tế thu chi vượt xa dự toán và vượt xa con số ước thực hiện đưa ra cuối năm ngoái. Thu ngân sách 2009 thực tế là 442.340 tỷ đồng, vượt dự toán 13,4% và cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội cuối năm ngoái tới 51.690 tỷ đồng. Nhưng bội chi không giảm bởi phần chi ngân sách thực tế lên đến 533.005 tỷ đồng, tăng 41.705 tỷ so với dự toán và vượt 51.690 tỷ đồng so với mức báo cáo.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng bội chi của 2009 và 2010 lẽ ra có thể giảm thấp hơn, chính chênh lệch quá lớn giữa kết quả thực hiện và con số ước thực hiện cũng như dự toán đã ảnh hưởng rất lớn tới quyết định xử lý bù đắp bội chi.

"Tăng thu vượt dự báo nhưng bội chi vẫn lớn. Thống kê thế này rất nguy hiểm", đại biểu Nguyễn Đăng Trừng gay gắt nói tại phiên thảo luận cuối tuần qua. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Việt Dũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng phải đánh đổi bội chi cao để có được kết quả tăng trưởng đạt chỉ tiêu trong khi hiệu quả đầu tư thấp (chỉ số ICOR lên tới 8).

Thậm chí đại biểu Trần Du Lịch đề nghị xem lại kỷ cương ngân sách khi mà thu vượt dự toán rất lớn nhưng bội chi không giảm. Cũng theo ông Lịch, dư nợ Chính phủ tính theo phần trăm vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (nợ Chính phủ trên 50% được cho là mất an toàn), song con số tuyệt đối rất lớn nếu xét tới bối cảnh Việt Nam hiện nay. "Các nước vay nợ hơn 100% GDP nhưng khả năng thanh toán và sử dụng tiền vay nợ vẫn tốt", ông Lịch nói.

Câu chuyện bội chi còn kéo dài cả trong giờ giải lao, Trưởng đoàn đại biểu TP HCM Phạm Phương Thảo bất chợt liên hệ tới cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, khiến không khí thảo luận càng thêm sôi nổi.

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam 56 tỷ USD, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng đem câu chuyện Hy Lạp ra cảnh báo.

Nợ công tại Hy Lạp hiện lên đến 125% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách chiếm 13,6% GDP. Đất nước một thời dẫn đầu châu Âu về tốc độ tăng trưởng đang đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán, buộc các nước trong khu vực và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) góp tiền cứu trợ.

Bối cảnh Việt Nam hiện tại chưa thể so sánh với tình trạng bi đát của Hy Lạp. Song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cảnh báo của các đại biểu Quốc hội rất cần thiết và là việc làm có trách nhiệm với dân với đất nước. "Khủng hoảng nợ công Hy Lạp khiến tất cả các nước đang vay nợ nhiều phải suy nghĩ và xem xét lại chuyện thu chi của mình. Đất nước mình còn nghèo, có nhiều nhu cầu phải chi để phát triển, không thể vung tay quá trán", bà Lan trao đổi với VnExpress.net chiều 24/5.

Vì vậy, bà Lan đề nghị đại biểu Quốc hội thận trọng hơn khi phê duyệt các dự án lớn, không chỉ vì tiêu hao ngân sách mà còn vì khả năng, trình độ quản lý hạn chế. Thực tế từ các dự án lớn như Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh là những bài học kinh nghiệm tốt cho đại biểu trước khi bấm nút thông qua các dự án vượt khả năng chi của ngân sách.

Theo bà Lan, Hy Lạp từng chủ quan khi vay nợ để chi tiêu. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

"Dư nợ của ta vẫn dưới 50% GDP, nhưng cần phải xem khả năng tiếp tục phát triển các nguồn thu sắp tới thế nào? Tỷ lệ 200% hay 45% đi chăng nữa đều là tiền vay nợ và đến lúc phải trả. Dự trữ ngoại tệ của chúng ta đang giảm xuống. Để tăng xuất khẩu, chúng ta cũng phải chi nhiều ngoại tệ nhập khẩu nguyên vật liệu. Nguồn thu từ dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Điều kiện tiếp nhận ODA hiện khắt khe hơn trước. Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân thấp", bà Lan cảnh báo.

Song Linh

  • Từ khóa