Thứ 3, 23/07/2024, 08:21[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015) Đồng chí Nguyễn Văn Linh - thân thế và sự nghiệp

Thứ 2, 29/06/2015 | 10:32:25
1,760 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915 trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Các đồng chí Trung ương Cục miền Nam trên đường vượt Trường Sơn ra Hà Nội họp, tháng 4/1973. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục, Trưởng đoàn (người thứ tư từ phải sang). Ảnh tư liệu

 

Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, đồng chí tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương).

 

Ngày 1 tháng 5 năm 1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo.

 

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí. Năm đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công đi vận động công nhân lao động ở Hà Nội rồi về Hải Phòng hoạt động. Tại đây, đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân và nhiều tầng lớp nhân dân khác; gây dựng cơ sở đảng và thành lập Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy Hải Phòng.

 

Năm 1939, đồng chí được điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Cuối năm 1939, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ bắt liên lạc với các cơ sở đảng còn lại ở các tỉnh để lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.

 

Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

 

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, sau trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với các cương vị Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc Khu ủy.

 

Năm 1947, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ; từ năm 1949, đồng chí tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy; từ năm 1957 đến năm 1960, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961) và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1964).

 

Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến tháng 12 năm 1980. Sau đó đồng chí được phân công theo dõi thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Namon>.

 

Tháng 12/1981, đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6/1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Bí thư.

 

Tháng 12/1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 6 năm 1987, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) và lần thứ VIII (tháng 6/1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước; được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Đồng chí được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia; Nhà nước Cuba tặng thưởng Huân chương Hôxê Mácti; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco.

 

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày