Thứ 4, 22/01/2025, 11:27[GMT+7]

Cây đại thụ rợp bóng nhân văn

Thứ 2, 24/08/2015 | 08:29:50
1,310 lượt xem
Ðại tướng của nhân dân - Võ Nguyên Giáp từ lâu đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế, kể cả những người bên kia chiến tuyến. Nhân kỷ niệm ngày sinh Ðại tướng (25/8/1911 - 25/8/2015), Báo Thái Bình trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết như một lời tri ân đến vị tướng: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm”.

 

Sinh thời, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp viết nhiều bộ sách, bài báo tiếp tục làm ngời sáng tư tưởng Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ và là người thầy kính yêu của mình. Có thể thấy việc học tập và sáng tạo của Ðại tướng là không ngừng nghỉ. Ðó là việc làm cần thiết cho các thế hệ hôm nay và mai sau nhằm củng cố và phát huy tính sáng tạo trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như nền giáo dục nước nhà. Ðó cũng là phong cách của thầy giáo dạy sử, một luật sư, một nhà báo, một cử nhân triết học không bao giờ phai nhạt trong con người Ðại tướng. Ðúng như tâm niệm lúc sinh thời Ðại tướng từng nói: “Nếu không làm người lính thì tôi sẽ vẫn là người thầy dạy lịch sử và viết báo” để thấy sự khiêm nhường trong nhân cách vị tướng vĩ đại.

 

Tôi chợt nhớ đến nội dung cuộc phỏng vấn Ðại tướng vào năm 1995 do phóng viên các hãng tin BBC, CNN, NHK thực hiện tại Hà Nội. Sau rất nhiều câu hỏi Ðại tướng về nguyên nhân tại sao Việt Nam thắng Mỹ; tại sao sau hàng chục năm kết thúc chiến tranh, Việt - Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ kinh tế - ngoại giao; tại sao Việt Nam vẫn còn là nước chậm phát triển..., một nhà báo Mỹ hỏi: Thưa Ðại tướng! Ngài là giáo sư sử học, không qua một trường lớp quân sự nào, vì sao Hồ Chí Minh lại chọn ngài chỉ huy quân đội? Ðại tướng cười đôn hậu và trả lời: Ðiều này thì các ngài phải hỏi Hồ Chí Minh. Một nhà báo khác: Thưa Ðại tướng! Vị tướng nào của đối phương khiến ngài sợ nhất? Ðại tướng nghiêm nét mặt và nắm chặt tay hướng về phía trước ngang tầm mắt rồi trả lời: Trong tư duy quân sự của tôi, không bao giờ có từ “sợ”! Thưa Ðại tướng, tướng nào của Việt Nam là người giỏi nhất? Ðại tướng trả lời: Chỉ có dân tộc Việt Nam là vị tướng giỏi nhất. Khi các nhà báo nước ngoài đang mải ghi chép thì Ðại tướng chủ động kết thúc cuộc phỏng vấn. Ông nói: “Các vị hãy nhớ rằng: Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình. Tôi là vị tướng của hòa bình. Tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng mọi giá”.

 

Sinh ra trong loạn lạc, lớn lên trong đấu tranh cách mạng, thay mặt Ðảng, Bác Hồ và nhân dân lãnh đạo, chỉ huy quân đội cách mạng làm nên những chiến công hiển hách khiến cả thế giới nghiêng mình kính phục. Ðất nước hòa bình, Ðại tướng lại cùng bộ thống soái tối cao lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân. Dù ở đâu và với cương vị nào, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là người Anh cả, cây đại thụ rợp bóng nhân văn, suốt đời “Dĩ công vi thượng”, vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình! Tự hào thay mỗi khi bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam là gọi tên Hồ Chí Minh. Nhớ đến Ðiện Biên Phủ - Sài Gòn là nhắc đến Võ Nguyên Giáp!

 

Sau mấy nghìn năm lịch sử, đây có thể xem là nhân duyên vĩ đại làm nên đỉnh cao minh triết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh!

 

Bậc vĩ nhân đã thanh thản ra đi sau hơn một thế kỷ, qua hai cuộc trường chinh, mà những công lao của ông đã trở thành bất tử. Sự ra đi của Ðại tướng từ quốc tang đã trở thành dân tang! Thế mới biết, sống giữa lòng dân thì dân tôn làm Thánh! Cũng chính từ đây, hậu thế mới có dịp suy ngẫm về lời dạy của Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn cách đây gần 800 năm, để ứng với Võ Nguyên Giáp: “Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch được”.

 

Thật là:

Làm tướng, làm thầy đều viết sử.

Cầm quân, cầm bút cũng vì dân”.

 

Nam Hương

Ðài PT-TH Thái Bình

  • Từ khóa