Chủ nhật, 12/01/2025, 08:01[GMT+7]

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020

Thứ 5, 24/09/2015 | 21:55:16
1,577 lượt xem
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua yêu nước. Người đã khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua yêu nước Việt Nam. Kể từ khi Người viết “Lời thi đua ái quốc” với tư tưởng chỉ đạo “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta trong mọi thời điểm lịch sử đã luôn năng động, sáng tạo, đi tiên phong trong các phong trào thi đua với những

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt sợi Damsan (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Ngọc Linh

 

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VI được tổ chức trong khí thế sôi động của những ngày tháng 9 lịch sử và diễn ra ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Sự kiện này không chỉ là một trong những hoạt động có ý nghĩa chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh mà còn là một điểm nhấn, tạo đà để đưa các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà đi lên một tầm cao mới, với khí thế người người thi đua, ngành ngành thi đua, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

 

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thi đua yêu nước; những năm qua, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu, đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng, cùng thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Công tác thi đua khen thưởng có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và thực sự trở thành động lực quan trọng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Các kết quả nổi bật là:

 

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,04%/năm, cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 25,9% năm 2010 lên 32,8% năm 2015, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 32,8% lên 33,6%, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,3% xuống 33,6%; tương ứng, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực, từ 21,9% - 15,7% - 62,4% năm 2010 sang 32% - 20% - 48% năm 2015. Năm 2015, GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.410 USD/người, gấp 1,8 lần năm 2010; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.270 triệu USD, gấp 2,6 lần; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.824 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến hết năm 2015 dự kiến có 165 xã (chiếm 62,7% tổng số xã trong tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt trước 1 năm và 95 xã so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 106.392 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 5 năm trước. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống người dân, nhất là hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, gia đình có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 ước còn 2,5%, giảm 6,66% so với năm 2010. Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được thực hiện quyết liệt và có hiệu quả, ngày càng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân; kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo điều hành được tăng cường. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số.

 

Với sự nỗ lực phấn đấu và thành tích xuất sắc đạt được trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 10 tập thể được tặng Huân chương Độc lập; 211 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 536 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 57 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các ngành, các cấp. Nhân dân và cán bộ xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

 

Có thể nói, những thành tích đạt được trong những năm qua là rất cơ bản và rất đáng tự hào, thể hiện rõ sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo nền tảng để tỉnh ta phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trong những năm tới.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định: Phong trào thi đua ở một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa đi vào thực chất, chưa thường xuyên, toàn diện; xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn; hình thức thi đua chưa thật sự phong phú và đa dạng. Công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến, tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến chưa thường xuyên, kịp thời. Việc bình xét khen thưởng có lúc, có nơi còn bị động, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; khen thưởng người lao động trực tiếp còn ít...

 

Bước vào giai đoạn mới, cùng với cả nước, tỉnh Thái Bình có những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần phải toàn tâm, toàn lực, phát huy trí tuệ, sáng kiến, hiến kế để dấy lên cao trào thi đua ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị nhằm thực hiện thắng lợi và toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó tập trung thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội và 3 giải pháp đột phá đã được Đại hội thông qua. Theo đó, các phong trào thi đua của tỉnh trong 5 năm tới cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

 

Một là, tập trung thi đua cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với thực hiện có hiệu quả các đề án tái cấu trúc kinh tế, tái cơ cấu các ngành sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự chuyển biến rõ nét về tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án và cơ chế chính sách mới, đủ mạnh, tạo sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, làm ăn lâu dài và hiệu quả tại tỉnh. Đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư vào khu vực ven biển để hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, tiến tới hình thành Khu kinh tế ven biển của tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tái cơ cấu sản xuất, hợp lý hóa quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành và cả nền kinh tế.

 

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục thi đua duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng kế hoạch triển khai từng tiêu chí cụ thể để phấn đấu, bảo đảm đạt tiêu chí một cách vững chắc, trong đó tiêu chí ổn định tình hình, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu.

 

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xã hội hóa các nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, nhất là trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại. Thực hiện tốt các biện pháp tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ các nguồn thu vào ngân sách. Tổ chức quản lý, điều hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt theo dự toán được duyệt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

 

Hai là, tiếp tục thi đua thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Thi đua đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; sự nghiệp văn hóa, thể thao gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn”; giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Thi đua thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện thật tốt công tác tiếp công dân, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn việc tiếp dân với giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và mới nảy sinh ngay tại cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Thực hiện quyết liệt và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục rườm rà và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; lấy chất lượng và hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 

Năm là, tiếp tục thi đua đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trọng tâm là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời phát hiện các nhân tố mới, các gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, nhân rộng; đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, thiếu thực chất để các phong trào thi đua thực sự là động lực khơi dậy tinh thần, ý chí cách mạng của mỗi cá nhân, đơn vị.

 

Để thực hiện được điều này có nhiều việc phải làm, song trước hết từng ngành, từng địa phương, đơn vị phải xây dựng nội dung và các chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đổi mới nội dung, cách thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả tỉnh.

 

Với truyền thống đoàn kết, cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; với sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, địa phương, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng dù khó khăn đến mấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 

Nguyễn Hồng Diên

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh

  • Từ khóa