Thứ 3, 23/07/2024, 06:28[GMT+7]

Hưng Hà Những năm cuối nhiệm kỳ giành nhiều thắng lợi

Thứ 6, 31/12/2010 | 16:45:24
1,525 lượt xem
Năm 2010, các lĩnh vực kinh tế của Hưng Hà đều phát triển khá toàn diện: Giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 893,9 tỷ đồng, tăng 5,66%; CN-TTCN và XDCB đạt 1.608,8 tỷ đồng, tăng 18,25%; thương mại, dịch vụ đạt 477,1 tỷ đồng, tăng 13,89% so với năm 2009.

Nghề dệt truyền thống huyện Hưng Hà. Ảnh: Thành Tâm

Những năm gần đây, lĩnh vực trồng trọt của Hưng Hà đã vươn tới đỉnh cao của năng suất, đặc biệt là hai vụ lúa. Để tìm lời giải cho việc nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, nơi đây đã có nhiều phương thức thâm canh, luân canh mới áp dụng phù hợp đối với từng địa phương, từng chân đất.

Bởi lẽ đó, năm 2010, ngành nông nghiệp của Hưng Hà có sự tăng trưởng cao, vượt 1,22% kế hoạch năm. Đây là kết quả tất yếu của Nghị quyết 62 của Ban chấp hành Đảng bộ Hưng Hà về chuyển đổi cơ cấu giống lúa xuân dài ngày sang gieo cấy các giống ngắn ngày có năng suất, giá trị cao. Khi nghị quyết này  được triển khai thực hiện đã kéo theo hàng loạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào trong sản xuất, như gieo vãi, gieo thẳng, gieo mạ che phủ nilon...

Bên cạnh đó là việc liên kết các mùa vụ trong năm một cách hợp lý, bảo đảm thời gian cho từng loại cây trồng phát triển, hình thành các vùng sản xuất 3 -4 vụ/ năm. Vụ lúa xuân 2010, Hưng Hà gieo cấy 11.170,09 ha, trong đó giống ngắn ngày TBR1, BC15... chiếm gần 90%. Đối với phương pháp gieo vãi, gieo bằng công cụ sạ hàng được người dân áp dụng rộng rãi, đạt 1.400 ha.

Đây là biện pháp gieo mới được chính người nông dân xem như một giải pháp hữu hiệu, an toàn, ổn định về năng suất cả ở vụ xuân ấm, xuân rét và giảm tối thiểu công lao động cho nông dân.

Mặc dù vụ lúa xuân sâu bệnh diễn biến phức tạp với mật độ cao, nhất là 3.500 ha xuất hiện triệu chứng của bệnh lùn sọc đen, song có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các hộ nông dân nên đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.

Với việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa cùng các biện pháp kỹ thuật mới trong gieo cấy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phòng chống sâu bệnh nên năng suất lúa xuân của Hưng Hà đã đạt 71,86 tạ/ ha, tăng 0,06 tạ/ ha so với vụ xuân 2009.

Đối với vụ lúa mùa, ngay khi bước vào sản xuất, Hưng Hà đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm đất, gieo cấy do thiếu nước trầm trọng trên diện rộng. Khó khăn là vậy, nhưng Hưng Hà vẫn bảo đảm gieo cấy được 8.500 ha/ 11.302,02 ha trà lúa sớm để sau thu hoạch gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Năng suất vụ mùa đạt 65,64 tạ/ ha.

Qua hai vụ lúa, có thể khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu giống ở Hưng Hà không chỉ rút ngắn thời gian mùa vụ chủ động đối phó được với các loại hình thời tiết khắc nghiệt cũng như nhiều đối tượng sâu bệnh để giành năng suất, giá trị cao. Ngoài hai vụ lúa, Hưng Hà còn luôn là huyện dẫn đầu tỉnh về sản xuất vụ đông và đang hình thành những cánh đồng cho giá trị trên 100 triệu đồng/ ha.

Đây chính là lời giải của bài toán nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Ngay khi chuẩn bị bước vào sản xuất, huyện đã có nhiều giải pháp để mở rộng tối đa cây vụ đông trên diện tích đất hai lúa. Hưng Hà, đã chỉ đạo các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu đi đầu cùng với các tầng lớp nhân dân tích cực đầu tư cho sản xuất vụ đông để đạt kết quả cao nhất cả về diện tích và năng suất...

Do đó, vụ đông 2009 - 2010 toàn huyện đã gieo trồng được 8.029,13 ha, tăng 591 ha so với vụ đông trước đó. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Các vùng chăn nuôi tập trung đã và đang hình thành, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tổng đàn trâu, bò hiện có 15.558 con, tăng 0,46%; đàn lợn (không kể lợn sữa) là 167.970 con, tăng 2,95%; đàn gia cầm 1,5 triệu con, tăng 4,57% so với năm 2009. Giá trị ngành chăn nuôi đạt gần 300 tỷ đồng.

Hưng Hà không chỉ phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp, mà CN-TTCN, thương mại - dịch vụ cũng là một trong những mũi nhọn chủ lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù năm 2010, nguồn điện thường xuyên bị cắt giảm, cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, song tổng giá trị sản xuất vẫn đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 18,25% so với năm 2009.

Đây là kết quả của một quá trình dài trong việc giữ gìn và triển nghề truyền thống theo hướng bền vững cho giá trị kinh tế cao của Hưng Hà. Nghề dệt bông vải sợi và dệt chiếu là hai nghề chủ lực được phát triển nhanh chóng trong mấy năm gần đây. Từ một làng nghề dệt Phương La trước đây, nay đã phát triển ra 26 xã nghề, với gần 5 nghìn máy dệt; trong đó Thái Phương 2.444 máy, Minh Tân 550 máy, Độc Lập 403 máy, Thái Hưng 255 máy... Nghề dệt khăn phát triển đã tạo điều kiện cho nghề may khăn phát triển theo, hiện cả huyện có trên 7 nghìn máy may khăn, thu hút trên 8 nghìn lao động. Đối với nghề dệt chiếu đang phát triển theo xu hướng giảm khung dệt thủ công, thay vào đó là máy dệt tăng mạnh. Cụ thể năm 2010, thị trấn Hưng Nhân - cái nôi của nghề dệt chiếu cũng chỉ còn khoảng 300 khung, giảm trên 1 nghìn khung dệt, máy dệt đã tăng lên 20 cái; Tân Lễ còn 700 khung, giảm gần 2 nghìn khung dệt, máy dệt tăng gần 70 cái.

Với việc phát triển mạnh nghề truyền thống một cách bền vững, Hưng Hà đã có 42 làng nghề và 2 xã nghề được UBND tỉnh công nhận. Nhiều doanh nghiệp đã vào đầu tư tại các cụm công nghiệp, góp phần đưa tỷ trọng CN - TTCN chiếm 52,75% trong cơ cấu kinh tế. Toàn huyện hiện có 161 doanh nghiệp, trong đó tiếp nhận mới 8 dự án đầu tư sản xuất, với số vốn 82,18 tỷ đồng...

Bước sang năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp  nhiệm kỳ 2011 - 2015, Hưng Hà tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm giành thắng lợi trên nhiều mục tiêu mới. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 3.402 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2010.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày