Thứ 2, 27/01/2025, 11:06[GMT+7]

Đường sắt cao tốc, dự án xa xỉ

Thứ 7, 22/05/2010 | 14:55:59
2,069 lượt xem
"Chúng ta đã tính đến bài học của Hy Lạp đang khủng hoảng vì nợ công chưa? Không thể quyết dự án này để rồi con cháu phải nai lưng trả nợ", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận phát biểu về dự án đường sắt cao tốc, chiều 21/5.

Theo tính toán của Chính phủ, để làm một km đường sắt cao tốc, cần 35,6 triệu USD. Nếu làm theo phân kỳ hai giai đoạn, từ khi khởi công năm 2012 đến khi hoàn thành giai đoạn 1 năm 2020 (xong đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang), mỗi năm cần 2,63 tỷ USD. Ảnh: treehugger.com.

Nguồn vốn dự án đường sắt cao tốc quá lớn, gần 56 tỷ USD đã khiến nhiều đại biểu cảm thấy bất an. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích, GDP năm 2009 mới đạt 90 tỷ USD, trong khi đó nguồn vốn dự án này chiếm tới 2/3 GDP. Với trượt giá, 30 năm nữa con số đầu tư sẽ không dừng lại ở 56 tỷ USD.

Trăn trở với câu hỏi tiền đâu để đầu tư dự án khổng lồ này, Chủ nhiệm Thuận lập luận: "Nợ Chính phủ đã lên đến 42% rồi, giờ gánh thêm dự án đường sắt cao tốc nữa thì tiền đâu? Chúng ta đã tính đến bài học của Hy Lạp đang khủng hoảng vì nợ công, cả châu Âu phải cứu giúp chưa? Chúng ta không thể quyết dự án này được để rồi con cháu nai lưng ra trả nợ".

Ông Thuận cũng nêu thực tế các dự án nghe báo cáo thì rất hay, ví dụ đường Hồ Chí Minh, song khi hoàn thành thì công suất sử dụng chỉ 1/4-1/3 so với thiết kế. Hay như việc triển khai các dự án thủy điện, lúc báo cáo dự án, chủ đầu tư khẳng định sẽ đảm bảo cấp điện, chống úng trong mùa mưa, cấp nước trong mùa hạn, nhưng vừa qua trời ít mưa thì lại đặt vấn đề, một chấp nhận thiếu điện, hai là mất mùa.

"Đề án này hơi xa xỉ, tôi sẽ không bấm nút thông qua chủ trương đầu tư. Để 10-20 năm nữa, lúc đó con cháu ta thông minh hơn, giỏi hơn ta sẽ quyết định. Còn giờ quyết thì tôi thấy có lỗi với thế hệ mai sau", Chủ nhiệm Thuận khẳng khái.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Để đầu tư đường sắt cao tốc, lấy đâu ra 56 tỷ USD và đây không phải con số cuối cùng". Ảnh: TTXVN.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết mở đầu bài phát biểu bằng một câu thơ hóm hỉnh: "Rằng hay thì thật là hay. Nghe rồi mới biết rất gay về tiền". Ông Thuyết ví von việc làm dự án đường sắt cao tốc giống như việc hai vợ chồng công chức nghèo, có con nhỏ, tiền ăn còn khó khăn, nhưng thấy hàng xóm có ôtô cũng đi vay tiền mua ôtô.

Đại biểu Thuyết cũng lo ngại lấy đâu ra 56 tỷ USD và đây không phải con số cuối cùng, trong khi đang có rất nhiều dự án quốc gia cần nhiều tiền, như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Chúng ta hy vọng có đường sắt cao tốc, ăn sáng ở TP HCM, ăn trưa ở Đà Nẵng và ăn tối ở Hà Nội. Người TP HCM có thể đi làm ở Hà Nội và về trong ngày. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ tiền để đi kiểu đó, bởi giá vé tàu cao tốc bằng 50-70% giá vé máy bay. Mà nếu không có khách đi thì làm sao thu hồi vốn?", ông Thuyết nói.

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Lê Văn Tâm cho rằng ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc là "xài sang", đại biểu Ngô Văn Minh thì nói là "quá lãng mạn", còn ông Phương Hữu Việt bảo đó là sự "ngẫu hứng chính trị, vượt quá tầm của chúng ta". Hai nhà làm luật Hà Thanh Toàn và Ngô Văn Minh lại trăn trở một nước giàu như Mỹ, đi từ đông sang tây tới 6.000 km, từ bắc xuống nam tới 4.000 km, nhưng tại sao không đầu tư đường sắt cao tốc, trong khi nghèo như Việt Nam lại muốn đầu tư một dự án quá quá lớn.

"Việt Nam là nước nghèo, đại bộ phận dân sống ở nông thôn, đời sống khó khăn, đường sá, thủy lợi... đều thiếu trong khi đó ta lại đi làm đường sắt cao tốc. Đó quả là xài sang và không công bằng", ông Lê Văn Tâm nói. Đại biểu này cũng cho rằng với giá vé tàu bằng 75% vé máy bay sẽ chẳng ai đi, nguồn thu từ bán vé chưa chắc đủ đề duy tu, bảo dưỡng đường sắt cao tốc, chứ chưa nói đến khả năng dành trả nợ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lại không lo về vốn đầu tư vì thế giới đang thừa tiền, vay thì sẽ trả. Thu hồi vốn chậm cũng phải chấp nhận, song bù lại sẽ kích thích kinh tế phát triển. "Cái tôi lo nhất là phương án làm. Chúng ta định làm toàn tuyến hơn 1.570 km, nhưng chỉ 364 km đi trên mặt đất, còn lại đi hầm và cầu cạn, trong khi địa chất chúng ta phức tạp, chỉ cần có sự cố thì khắc phục rất khó, rất lâu", ông Thanh nói.

Đại biểu này cũng cho rằng cả thế giới không ai làm đường sắt cao tốc toàn tuyến đến 1.570 km vì chỉ cần một sơ suất sẽ phải trả giá đắt. "Tôi chỉ mong đường sắt cao tốc đạt vận tốc 200 km/h là phúc rồi, đừng lãng mạn ý tưởng vận tốc 300km/h hay làm tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới", ông Thanh nói.

Chung nỗi lo về an toàn toàn chạy tàu, đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh nói: "Đường sắt hiện nay vẫn chưa giải quyết được bài toán ném đá lên tàu, vậy đường sắt cao tốc thì sao? Trong tờ trình của Chính phủ và cả báo cáo thẩm tra đều chưa đề cập đến phương án bảo vệ đường sắt cao tốc". Đại biểu Phương Hữu Việt cũng lo vấn đề an toàn giao thông khi chạy tàu với tốc độ 300 km/h, trong khi ý thức người dân còn thấp.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn băn khoăn việc sử dụng công nghệ động lực phân tán - EMU (đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản) thì liệu 25 năm nữa, khi hoàn thành toàn tuyến đường sắt cao tốc liệu có lạc hậu? "Dự án này cũng làm tác động đến dòng chảy tự nhiên, nhất là đoạn chạy qua miền Trung với nhiều đồi núi dốc, từ đó làm thay đổi môi trường sinh thái", nữ đại biểu Vũ Thị Phương Anh nêu vấn đề.

Từ những trăn trở nêu trên, phần đông đại biểu đề nghị chưa nên thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trong thời điểm này, vì chưa thật sự cần thiết. "Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong thời gian tới, tốt nhất nên nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường bộ và đường sắt hiện có. Vận chuyển hàng hóa thì nên đầu tư cho đường thủy vì kinh tế hơn", đại biểu Hà Thanh Toàn kiến nghị.

Dự án đường sắt cao tốc sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào ngày 8/6.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc là 1.570 km, bắt đầu từ Hà Nội đến ga cuối là Hòa Hưng (TP HCM), trong đó cầu cạn dài 1.043 km, cầu vượt sông và đường bộ là 46 km, hầm 117 km, còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Có tất cả 27 ga. Dự kiến thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Hoà Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.

Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM và giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án khoảng 4.170 ha và 9.480 hộ cần tái định cư.

Hồng Khánh

  • Từ khóa