Thứ 5, 23/01/2025, 22:27[GMT+7]

Kỷ niệm 84 năm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Chủ nhật, 31/07/2016 | 15:49:09
2,061 lượt xem
Sáng ngày 31/7, Thành ủy Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 84 năm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (31/7/1932 - 31/7/2016) và công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành phố Hải Phòng dự lễ kỷ niệm.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng; Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Vũ Mạnh Hiền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh.

Tại buổi lễ, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình đã dâng hoa, thắp hương thành kính tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Nguyễn Đức Cảnh học Trường Hương học ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) rồi học Trường Thành Chung (Nam Định). Tại Nam Định, đồng chí cùng nhiều bạn học đã tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu năm 1925, để tang Phan Chu Trinh năm 1926. Được dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, qua các bài giảng và cuốn "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thấy rõ chỉ có theo đúng đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc thì mới giải phóng được dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Lễ trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân. 

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội gồm 7 người tiêu biểu, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với sự đóng góp tích cực, to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí tham gia Ban Chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo tổ chức Công hội Đỏ. Ngày 28/9/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng thư ký và phụ trách báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ. Tại hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3/2 đến 7/2/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.

Diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại lễ kỷ niệm đã nhấn mạnh: Trên cơ sở các đoàn thể cách mạng thuộc Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kiện toàn 14 chi bộ với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên Đoàn, Phụ nữ Giải phóng và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ "Sao đỏ" - cơ quan của Tỉnh đảng bộ, tờ "Tia lửa" - cơ quan của Tỉnh đoàn Thanh niên. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào tham gia ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 4/1931 trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man và bị kết án tử hình rồi bị chúng giết hại tại Hải Phòng vào ngày 31/7/1932. Suốt thời gian bị giam cầm trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn bình tĩnh, ngời sáng phẩm chất người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tập trung sức để viết cuốn "Công nhân vận động" chuyển ra cho Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam; là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản chân chính.

Đông đảo cán bộ và nhân dân đến dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân. 

Để ghi nhớ và tri ân vị lãnh đạo tiền bối của Đảng và của thành phố Hải Phòng, năm 2008, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức xây dựng nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại chính nơi đồng chí mất (xã An Đồng, huyện An Dương). Nhân kỷ niệm 84 năm ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân (người chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp giết hại cùng ngày với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Hải Phòng), UBND thành phố Hải Phòng đã công bố và trao quyết định xếp hạng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân là di tích lịch sử cấp thành phố.

Khắc Duẩn - Thành Tâm 

  • Từ khóa