Thứ 2, 20/05/2024, 23:19[GMT+7]

Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ 3, 13/12/2016 | 14:44:23
1,559 lượt xem
Ngày 13/12, kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVI tiếp tục ngày làm việc thứ ba với nội dung thảo luận, phát biểu ý kiến, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự kỳ họp.

Đoàn Chủ tọa kỳ họp.

 

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã có nhiều ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu, lãnh đạo một số sở, ngành làm rõ thêm những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách của tỉnh năm 2016, giai đoạn 2016 - 2020; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách của tỉnh năm 2017, giai đoạn 2016 - 2020.

 

Báo Thái Bình điện tử xin trích đăng một số ý kiến phát biểu tham luận tại kỳ họp:

 

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội trường.

 

Việc đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp phấn đấu của nền kinh tế năm 2017  của tỉnh trình tại kỳ họp lần này được tính toán căn cứ vào kết quả phát triển kinh tế của tỉnh năm 2016 và dự báo của Chính phủ về xu hướng phát triển kinh tế của cả nước và thế giới năm 2017; ngoài ra còn căn cứ vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020; việc phấn đấu tăng trưởng cao còn do đòi hỏi phải đưa nền kinh tế Thái Bình phát triển nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước; căn cứ vào thực trạng, tiềm năng phát triển các ngành sản xuất của tỉnh. Để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2017, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu với UBND tỉnh một số giải pháp để thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, nhất là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

 

Đại biểu Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đại biểu Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội trường.

 

Năm 2015, tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân hoặc các HTX, tổ nhóm. Năm 2016, tỉnh tiếp tục và đẩy mạnh thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp và đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên việc tái cơ cấu vẫn ở giai đoạn bắt đầu, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Với vai trò là ngành chuyên môn, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tham mưu với tỉnh tập trung thực hiện 5 hướng đột phá để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đó là: Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện tích tụ đất đai; tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra giá trị sản xuất lớn hơn.

 

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội trường.

 

Theo Luật Phí, lệ phí năm 2015, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt 11 loại phí và 7 loại lệ phí. Dự kiến mức thu lệ phí mới sẽ tăng 15 - 20% so với mức thu hiện hành được ban hành từ năm 2016. Về tỷ lệ phần trăm (%) phân chia: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện nộp 100% vào ngân sách nhà nước; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần, hoặc toàn bộ số tiền thu phí để trang trải chi phí  hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

 

Đối với lệ phí, nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo Luật Phí, lệ phí năm 2015. Mức thu học phí trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này cũng tăng từ 10 - 12% so với mức thu hiện hành và hàng năm dự kiến điều chỉnh tăng 10% so với mức thu năm học trước liền kề theo quy định tại Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, việc phân cấp ngân sách 2017 - 2020 cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, tôi mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ các quy định, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh để việc điều hành ngân sách của tỉnh trong thời gian tới được thực hiện tốt hơn.

 

Đại biểu Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh

 

Đại biểu Bùi Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội trường.

 

Những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên diễn biến khá phức tạp. Một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do thiếu niên, học sinh, sinh viên thực hiện có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, tôi đề nghị, các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và nhà trường cần phối hợp tích cực để giáo dục, bồi dưỡng, quản lý con em mình, ngăn chặn tình trạng các em trong lứa tuổi vi phạm pháp luật và bị xâm hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây nên. Trong đó, cần phải xác định vai trò quản lý của gia đình là chính. Song song với dạy văn hóa, các nhà trường chú trọng giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh, sinh viên. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong phối hợp tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để thu hút các em tham gia. Ngành Công an cũng sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và các hành vi xâm hại trẻ em; dự báo diễn biến chính xác tình hình để có những giải pháp đấu tranh, phòng chống phù hợp.

 

Đại biểu Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Đại biểu Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội trường.

 

Để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với tỉnh tập trung phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế du lịch, tích cực tham gia các hoạt động để đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định rõ các hướng trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Chú trọng lựa chọn và ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo niềm tin và ấn tượng tốt cho du khách khi đến các điểm du lịch của Thái Bình.

 

Đại biểu Phạm Minh Kha, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang (Vũ Thư)

 

Tôi đồng tình với những đánh giá trong báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện tái cơ cấu vẫn chưa rõ nét, tích tụ ruộng đất còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, theo tôi, thời gian tới tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, có cơ chế, chính sách thực hiện đồng bộ; có cơ chế và hành lang pháp lý tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia tích tụ ruộng đất; nên chuyển hỗ trợ kinh phí cho người trồng lúa nước sang hình thức đầu tư hạ tầng đồng ruộng. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa lớn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Đại biểu Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damsan

 

 

Đại biểu Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damsan phát biểu tại hội trường.

 

Thời gian qua, Thái Bình là tỉnh tiên phong về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong cả nước. Tính đến nay, toàn tỉnh đầu tư được khoảng 1.500 căn, đáp ứng mái ấm cho 6.000 - 7.000 người. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của công nhân và người có thu nhập thấp rất lớn, vì vậy tôi đề nghị thời gian tới tỉnh tiếp tục dành ra một số khu đất đẹp để tạo quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Nhà nước tiếp tục có gói tín dụng hỗ trợ người nghèo vay mua nhà như gói 30 nghìn tỷ đồng đã thực hiện vừa qua. Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian và giảm các thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Công khai, minh bạch hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

 

 

Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Vũ Đức Điến đã chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Y tế về ảnh hưởng của việc để bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016 đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; trách nhiệm, giải pháp của ngành trong giảm bội chi quỹ mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và cán bộ y tế.

 

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Tâm và đại biểu Nguyễn Minh Thắng đã chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về thực trạng triển khai thực hiện các thông tư liên quan đến quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; giải pháp tham mưu của ngành để đáp ứng nhu cầu thực tế về đội ngũ giáo viên mầm non hiện nay, bảo đảm thống nhất về chế độ, chính sách theo quy định; đánh giá về việc áp dụng mô hình học tập theo phương pháp VNEN (mô hình trường học mới) trên địa bàn toàn tỉnh, chủ trương, giải pháp của ngành trong thời gian tới.

 

Đại biểu Bùi Mạnh Hà chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đến nay còn nhiều nội dung chưa được thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

 

Đại biểu Lê Hồng Sơn chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh về hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, hoạt động thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập.

 

Đại biểu Trần Hữu Hiệp đã chất vấn đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh về việc năm 2016 Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm đã chuyển từ án tù sang cho hưởng án treo là 72 bị cáo, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh cho biết việc này là do năng lực, trình độ áp dụng pháp luật của thẩm phán cấp huyện hay là do nguyên nhân nào khác và cho biết biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các vấn đề các đại biểu chất vấn, khẳng định đây là những vấn đề cử tri quan tâm và đề nghị thời gian tới lãnh đạo các sở, ngành tập trung đôn đốc giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập mà các đại biểu đã hỏi tại phiên chất vấn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự kỳ vọng của cử tri, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Tiếp đó, đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVI.

 

 

Đại biểu Vũ Đức Điến, đại biểu tổ Đông Hưng chất vấn tại hội trường.

Ông Nguyễn Minh Thắng, đại biểu tổ Quỳnh Phụ chất vấn tại hội trường.

 

 

Đại biểu Trần Hữu Hiệp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn tại hội trường.

 

 

TBĐT

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày