Thứ 6, 27/09/2024, 22:26[GMT+7]

Khai mạc đại hội lần thứ IX hội nhà báo Việt Nam: Bạn đọc không chờ thông tin một chiều

Thứ 5, 12/08/2010 | 14:19:13
2,237 lượt xem
Sáng 12-8, Đại hội lần IX Hội Nhà báo Việt Nam chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo đánh giá chung của Hội Nhà báo Việt Nam, hệ thống báo chí cả nước ngày càng khẳng định vai trò diễn đàn của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực, góp phần tổng kết các bài học của công cuộc đổi mới.

Nhà báo Đỗ Danh Phương - Ảnh: V.V.T.

Bên lề đại hội, Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà báo về vấn đề báo chí là phương tiện phản biện xã hội tích cực.

* Nhà báo Đỗ Danh Phương (tổng biên tập báo Người Lao Động): Phản biện không phải là phản bác

Cần hiểu tính phản biện của báo chí khác với phản bác. Phản biện giúp mọi người hiểu được cốt lõi của vấn đề đang diễn ra, giúp bạn đọc nhìn vấn đề toàn diện với các góc cạnh khác nhau. Để phản biện tốt, nhà báo cần sắc sảo và có bản lĩnh để bảo vệ chính kiến của mình. Và điều quan trọng hơn là nhà báo phải có cái tâm, sao cho thông tin phản biện phải tạo ra sự đồng thuận xã hội và có hướng giải quyết.

Đảng, Nhà nước và bạn đọc luôn ủng hộ các nhà báo, các tờ báo dám phản biện, dám đấu tranh chống tiêu cực vì sự tiến bộ của xã hội, vì cái hay, cái mới, cái tốt trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một vấn đề là những năm gần đây có nhiều nhà báo gặp tai nạn nghề nghiệp. Phóng viên báo Người Lao Động từng bị hành hung khi đang tác nghiệp. Khi xảy ra những vụ việc như vậy, tôi đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Hội Nhà báo VN nói chung và hội nhà báo các tỉnh thành.

Ở đây có vấn đề là hành lang pháp lý chưa đủ, chúng ta mới chủ yếu dùng các loại văn bản, giấy tờ để kêu gọi các cơ quan, ban ngành có liên quan cùng giải quyết vấn đề, nhưng cách giải quyết chưa thật sự chính quy. Chính vì thế tôi biết Hội Nhà báo đã có văn bản đề nghị coi một số hoạt động (không phải tất cả các hoạt động) của nhà báo là thi hành công vụ, như vậy có những trường hợp cản trở, hành hung nhà báo sẽ được coi là chống đối lại người thi hành công vụ và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ rằng cần có hành lang pháp lý đầy đủ và tốt hơn cho nhà báo tác nghiệp chính đáng.

* Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, tổng biên tập tạp chí Nghề Báo): Thông tin phản biện cần được chọn lọc kỹ

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Ảnh: V.V.T

Bạn đọc không chờ đợi những tờ báo thông tin một chiều. Tất nhiên khi báo chí thông tin về sự phản biện một vấn đề nào đó thì cần có sự chọn lọc, phản biện phải nhằm mục đích xây dựng. Khi dõi theo quá trình chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi thấy những thông tin nhiều chiều trên báo chí đã có tác động rất tích cực để việc chuẩn bị được tốt hơn, giảm bớt những sự lãng phí, hình thức, ví dụ như việc dừng xây dựng các cổng chào hay việc rút bớt một số chương trình không cần thiết... Như vậy báo chí đã tạo hiệu ứng xã hội rất tốt.

Hội Nhà báo với chức năng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo cần thiết có các chương trình đào tạo, sinh hoạt nghiệp vụ... theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, góp phần hoàn thiện kỹ năng thông tin về sự phản biện cho các nhà báo, các tờ báo. Bên cạnh đó, hội phải lên tiếng bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo, trong các trường hợp rủi ro hay bị động khi nhà báo thông tin theo nguồn tin chính thống của cơ quan chức năng, hoặc nhà báo thông tin về một sự việc diễn ra theo đúng trình tự thời gian... nhưng tin này sau đó lại không đúng.

Tôi mong rằng qua đại hội lần này, báo chí nước nhà sẽ có nhiều bước tiến mới, là một phương tiện phản biện xã hội ngày càng tích cực hơn, và từng bước hướng tới việc xác lập một cách chính thức chức năng phản biện xã hội cho báo chí.

Theo Tuổi Trẻ

  • Từ khóa