Chủ nhật, 24/11/2024, 00:31[GMT+7]

Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - 18 tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a

Chủ nhật, 08/05/2011 | 07:54:40
2,032 lượt xem
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á lần thứ 18 (ASEAN-18) đã khai mạc sáng 7-5 tại Trung tâm Hội nghị Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn, nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các quan chức cấp cao mười nước ASEAN. Ðoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Thứ 4 từ trái qua) với các trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao Asean - 18. Ảnh: Đức Tám

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô khẳng định 'ASEAN không thể yên lặng và khoanh tay đứng nhìn' các thảm họa thiên nhiên và các cuộc xung đột. Cần tăng cường hợp tác đa cấp nội khối cũng như giữa ASEAN với các khu vực khác nhằm tìm giải pháp cho những thách thức về an ninh lương thực và năng lượng, đối phó thiên tai, ngăn chặn nạn buôn người và các vấn đề khác mà thế giới phải đối mặt. Ông kêu gọi tất cả các nước thành viên nỗ lực  bảo đảm hiện thực hóa ý tưởng về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu.

Ngay sau phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên toàn thể nhằm kiểm điểm việc thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai sáng kiến Kết nối ASEAN. Tại phiên họp này, Tổng Thư ký ASEAN đã báo cáo các nhà lãnh đạo về tình hình thực hiện các Kế hoạch xây dựng các Cộng đồng Chính trị An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa Xã hội.

Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh các kết quả đạt được thời gian qua, nhất là những kết quả cụ thể mà Hiệp hội đạt được trong năm 2010 về xây dựng Cộng đồng; nhất trí cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Theo đó, ASEAN cần xác định các ưu tiên và mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm 2011 và các năm tiếp theo, chỉ định cơ quan đầu mối triển khai; tăng cường công tác điều phối giữa các cơ quan trong từng trụ cột và giữa ba trụ cột.

ASEAN cần xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực nhằm triển khai các Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch công tác. Ðể bảo đảm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên tăng cường hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác  của Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí coi triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN là một trong các ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN và đây sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết vào năm 2015. ASEAN cần quyết tâm thực hiện những cam kết và dự án trọng điểm trên cả cấp độ khu vực và quốc gia và ưu tiên nhằm tăng cường kết nối ASEAN cả về hạ tầng, thể chế và người dân.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy các công cụ chính trị - an ninh hiện có của ASEAN, trong đó có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), Hiệp ước Khu vực Ðông - Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF)... cũng như tiếp tục xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, giải quyết các bất đồng, tranh chấp  bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế. Lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an toàn hạt nhân, an ninh, an toàn hàng hải,  biến đổi khí hậu...

Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ý kiến về nhiều chủ đề quan trọng của phiên họp (toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo ra hôm nay). Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Ðại hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA), gặp không chính thức đại diện thanh niên và đại diện các tổ chức quần chúng.

Tại cuộc gặp đại diện AIPA, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao vai trò của Ðại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) nói chung và đóng góp của Nghị viện các nước thành viên nói riêng đối với tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN; nhất trí tăng cường phối hợp giữa cơ quan hành pháp và lập pháp ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN đề nghị Quốc hội và Nghị viện các nước thành viên  tiếp tục hoàn thiện  các khung pháp lý phù hợp, hài hòa nội luật các nước với các mục tiêu ưu tiên trong các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong các cuộc gặp không chính thức với đại diện thanh niên và với đại diện của các tổ chức quần chúng, các nhà lãnh đạo đã lắng nghe ý kiến của các đại diện này; khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên và các tổ chức quần chúng tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN; cũng như đóng góp vào việc xử lý các vấn đề đang nổi lên ở khu vực hiện nay như thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển...

Hôm nay, 8-5, Hội nghị Cấp cao ASEAN-18 tiếp tục với phiên họp hẹp của các nhà lãnh đạo.

* Chiều 7-5, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-18 tại Gia-các-ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Thái-lan để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào trong thời gian qua đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai bên đánh giá kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 33 diễn ra đầu tháng 4-2011 có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt các thỏa thuận đã ký, nhất là Chiến lược hợp tác 2011-2020, Hiệp định Hợp tác giai đoạn 2011-2015, Hiệp định Hợp tác năm 2011.

Sau khi nghe Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-ma-vông thông báo về việc Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xay-nha-bu-ly, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn thông báo hết sức quan trọng và đầy nghĩa tình của Ðảng và Chính phủ Lào anh em; cho rằng điều này thể hiện sự hợp tác và quan tâm sâu sắc của Ðảng và Chính phủ Lào đối với đề nghị của Việt Nam. Với tình cảm đặc biệt và vì sự phát triển chung của hai nước, hai vị lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai bên phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công và có thể cùng mời các nhà khoa học quốc tế có uy  tín, kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu để có đủ các cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn cùng Lào phối hợp các nước ven sông Mê Công, kể cả các nước thượng nguồn là Trung Quốc và Mi-an-ma trong việc khai thác sử dụng bền vững con sông này vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.

Trong bối cảnh Việt Nam và Thái-lan đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (6-8-1976 - 6-8-2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái-lan A-bi-xít Vê-cha-chi-va bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Hai vị lãnh đạo nhất trí duy trì và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương sẵn có, trong đó có họp chính phủ chung giữa hai nước để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ sự phát triển và tôn trọng quyền khai thác tiềm năng sông Mê Công của các nước ven sông nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân, nhưng sự phát triển đó cần hài hòa, không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các nước ven sông, nhất là những nước hạ nguồn. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công cần phối hợp nghiên cứu khoa học toàn diện để xác định đầy đủ tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính con sông này và đạt được sự đồng thuận trước khi đưa ra quyết định về việc xây dựng các công trình.

Về xung đột biên giới Thái-lan - Cam-pu-chia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, là láng giềng của cả hai nước và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hoan nghênh hai bên ngừng bắn, không để tái diễn xung đột và tiếp tục thực hiện các cam kết tại cuộc họp không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Gia-các-ta ngày 22-2, trong đó có việc sớm cử quan sát viên In-đô-nê-xi-a tới khu vực biên giới hai nước. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình này.

Các cuộc tiếp xúc diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và hiểu biết lẫn nhau.

Theo Báo Nhân dân điện tử

  • Từ khóa