Chủ nhật, 24/11/2024, 10:23[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:50:07
1,654 lượt xem
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 3/7, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các địa phương phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2017.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị trực tuyến Chính phủ tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm.

Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra của tổ công tác 6 tháng đầu năm.

6 tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm 0,17% so với tháng 5, tăng 0,2% so với tháng 12/2016; tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 2,65%, công nghiệp, xây dựng ước tăng 5,81%, dịch vụ ước tăng 6,85%; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,69% so với cuối năm 2016; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 563.500 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 582.965 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 674.800 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến Chính phủ tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm.

Phát biểu tại hội nghị, đa số các đại biểu dự họp nhất trí với dự thảo các báo cáo, đồng thời cam kết với Chính phủ sẽ hoàn thành các mục tiêu mà ngành, địa phương đã đề ra.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất cụ thể, xác đáng của các đại biểu nhằm bổ sung, hoàn thiện các báo cáo; đồng thời, Thủ tướng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu. Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tăng trưởng công nghiệp còn thấp so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, còn nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc như vệ sinh an toàn thực phẩm, bất cập trong khám chữa bệnh, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 đạt 6,7%, Thủ tướng yêu cầu mỗi ngành, mỗi địa phương cần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp cần tập trung thực hiện: khắc phục sớm những tồn tại, hạn chế, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt hơn, giải quyết nhanh mọi thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; lắng nghe và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh rơi vào tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung điều hành chính sách tài chính, tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; không đặt vấn đề tăng trưởng bằng mọi giá mà phải tăng trưởng có chất lượng. Huy động các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài; nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại. Tiếp tục quan tâm đến người dân và doanh nghiệp, nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp và nhân dân vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển sản xuất. Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tập trung hoàn thiện các thể chế, giữ kỷ cương, kỷ luật của hệ thống hành chính, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, bệnh phô trương, hình thức. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế nhất là đối với an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách…, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; các bộ, ngành, địa phương thường xuyên đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp, đồng thời báo cáo những khó khăn để kịp thời xem xét, giải quyết từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Minh Hương