Chủ nhật, 24/11/2024, 11:30[GMT+7]

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thứ 6, 13/10/2017 | 09:25:14
1,134 lượt xem
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, hệ thống dân vận trong tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khảo sát mô hình “Dân vận khéo” về tích tụ ruộng đất tại xã Tân Phong (Vũ Thư).

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, hệ thống chính trị đã tập trung vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; tập trung vào các lĩnh vực mới, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, do “khéo” vận động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhân dân đã tình nguyện tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng các công trình nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã huy động từ cộng đồng dân cư 2.486,9 tỷ đồng, trong đó bằng tiền 1.903,3 tỷ đồng, bằng ngày công, tài sản, hiến đất, hiện vật quy ra tiền khoảng 583,6 tỷ đồng; huy động từ con em xa quê 171,2 tỷ đồng. Đã xây dựng và nâng cấp 3.539km đường giao thông nội đồng, 947,77km đường trục xã, 1.897,14km đường trục thôn, 2.617,61km đường nhánh cấp 1 trục thôn, 2.141km đường ngõ xóm; 28 trạm bơm, 248 cống đập, 20 trạm cấp nước sạch; 140 trường học; 926 nhà văn hóa thôn; 178 trạm y tế; 126 chợ; 105 khu xử lý rác thải; 62 sân thể thao xã, 88 sân thể thao thôn; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 5.500 nhà ở cho người có công, người nghèo.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều địa phương đã thành lập các tổ “dân vận khéo” trực tiếp xuống cơ sở, nhất là những nơi có vướng mắc, khó khăn để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới; tiến hành quy hoạch và xây dựng nghĩa trang tập trung, dịch chuyển các công trình văn hóa tâm linh, di dời các phần mộ để giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; giải quyết được nhiều việc khó, phức tạp. 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 2.500 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hệ thống dân vận phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán trong dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong chấp hành tốt pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Nhiều nơi đã tổ chức đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở; cung cấp các nguồn tin có giá trị cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã quy định cụ thể việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên ở cơ sở; định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân trước khi có quyết định liên quan đến nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản hóa, giảm tối đa phiền hà, phức tạp cho người dân; chấn chỉnh, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc với nhân dân. Đến nay, 100% thủ tục hành chính đã được đưa ra thực hiện tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; các sở, ngành đã rà soát, cắt giảm 135 thủ tục, rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết và thực hiện đơn giản hóa hồ sơ của mỗi thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 99,72%.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 1.490 mô hình, trong đó lĩnh vực kinh tế có 362 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 481 mô hình, lĩnh vực quốc phòng, an ninh có 287 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 360 mô hình. Tiêu biểu như: mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Hòa (Hưng Hà); mô hình “Bồn hoa, đường hoa phụ nữ” của các xã Song Lãng, Minh Lãng, Duy Nhất (Vũ Thư); mô hình “Hũ gạo tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Phương (Đông Hưng); mô hình “Tích tụ ruộng đất sản xuất giống lúa lai 3 dòng” của anh Trần Xuân Lưỡng, xã Quang Hưng (Kiến Xương)...

Phụ nữ xã Minh Hòa (Hưng Hà) thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng còn bộc lộ những hạn chế, nhất là về phương pháp tổ chức thực hiện; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và cán bộ các cấp về phong trào chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ “Dân vận khéo” là gì; việc phối hợp lồng gắn giữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước khác như thế nào... Do đó, ở một số nơi, việc triển khai tổ chức thực hiện phong trào còn mang tính hình thức, dàn trải, thiếu chiều sâu, không mang tính bền vững dẫn đến chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước khác; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu tổ chức, đơn vị.

Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác dân vận của Đảng nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, để phong trào trở thành việc làm thường xuyên, cần thiết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, lan tỏa rộng rãi, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện.

Ba là, căn cứ nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, đơn vị, cần lựa chọn những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nội dung của phong trào phải gắn với thực tiễn, hướng vào những khâu khó, lĩnh vực mới và những vấn đề đông đảo nhân dân quan tâm; gắn chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian tới.

Bốn là, thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng được các mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực để nhân diện rộng; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” hoạt động nền nếp, đi vào chiều sâu.

Nguyễn Tiến Thành

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 




Bà Trần Thị Vân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hưng Hà
 
Năm 2017, toàn huyện Hưng Hà xây dựng 68 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình mới xây dựng đạt hiệu quả tích cực và đang được nhân rộng như mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Hòa. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện và đang tiếp tục được nhân rộng, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường nông thôn. Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nghiên cứu, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; duy trì, nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình “Dân vận khéo” đã có và tiếp tục xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

Ông Phạm Văn Hải, Bí thư Ðảng ủy xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) 

Xã Quỳnh Hải luôn chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, do vậy được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Sau về đích, Quỳnh Hải không còn nợ đọng, nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới vẫn còn dư hơn 2 tỷ đồng. Trong hai năm 2016 và 2017, Quỳnh Hải tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đồng thời tập trung giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm trên địa bàn xã như dự án thi công nâng cấp tuyến đường 455; làm mới tuyến đường ĐH.76 kéo dài; chợ đầu mối… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc giải phóng mặt bằng diễn ra khá thuận lợi. Trong giải tỏa hành lang an toàn giao thông vừa qua, cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên toàn bộ 216 hộ vi phạm đều tự nguyện khắc phục, trả lại đường thông, hè thoáng cho nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Hướng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyên Xá (Vũ Thư) 

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyên Xá luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đóng góp sức người, sức của để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác, góp phần đưa xã nhà sớm về đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” hàng năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đều đạt kết quả tích cực với tỷ lệ 85 - 95% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các cấp hội tập trung tuyền truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt quy chế của địa phương về bảo vệ các công trình phúc lợi; thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; trồng các con đường hoa…, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Ông Vũ Ðức Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Tam Ðồng, xã Thụy Hải (Thái Thụy) 

Hiện toàn thôn có 438 hộ với trên 1.200 nhân khẩu. Thu nhập chủ yếu của người dân là từ nghề làm muối truyền thống, ngoài ra còn có nghề nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề dịch vụ như xây dựng, cơ khí… Những năm gần đây, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn do muối sản xuất ra khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ có hạn, vì vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới thôn gặp không ít khó khăn trong huy động nguồn lực. Song nhờ sự vào cuộc đồng bộ, nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động quần chúng, thôn đã huy động thành công nguồn lực để xây dựng các công trình phúc lợi, như huy động 1,6 tỷ đồng để xây dựng đình làng - nhà văn hóa thôn; gần 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông và nghĩa trang nhân dân…, từ đó từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thôn theo tiêu chí nông thôn mới.
Đào Quyên