Thứ 7, 28/09/2024, 06:27[GMT+7]

5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị Thái Bình trong lộ trình phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ 5, 04/08/2011 | 09:35:07
5,350 lượt xem
Ngày 14/9/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về: "Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020". Thái Bình là một trong số các tỉnh nằm trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 54. Qua 5 năm, Thái Bình đã chuyển động thế nào? Vai trò động lực trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và tác động tương hỗ của các tỉnh với Thái Bình ra sao? Những khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện N

I – Thái Bình nhận rõ thời cơ từ NQ 54.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, triển khai thực hiện vào thời điểm các Đảng bộ huyện và cơ sở trong tình đã hoàn thành tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2005 – 2010. Việc chuẩn bị báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cơ bản hoàn thành.

Sau khi có NQ 54, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh để quán triệt những nội dung cơ bản của NQ. Thống nhất chỉ đạo quán triệt các quan điểm, chủ trương, giải pháp quán triệt các quan điểm, chủ trương, giải pháp nêu trong NQ 54 để bổ sung phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo chính trị trình Đại hội XVII.

Đồng thời, chỉ đạo sao lục gửi văn bản NQ tới các cấp ủy và các tổ chức trong hệ thống chính trị để quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn với tổ chức quán triệt NQ Đại hội X của Đảng, NQ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Thông qua học tập NQ 54, các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển KT-Xh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong phát triển chung của cả nước.

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của địa phương ven biển và trách nhiệm đóng góp của tỉnh đối với sự phát triển chung của vùng và cả nước. Trong đó, có vai trò, trách nhiệm của một tỉnh trọng điểm lúa Bắc Bộ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Xác định con đường phát triển KT-XH của tỉnh  phải phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước và của vùng. Với vị trí gần cảng Hải Phòng, Thái Bình có thể đóng góp vào việc rút ngắn khoảng cách, giảm chi phí vận tải đến cảng Hải Phòng đối với các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nếu được Nhà nước đầu tư tuyến đường quốc lộ ven biển, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Từ nhận thức ấy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiều chủ trương quy hoạch, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy định và tổ chức thực hiện. Coi NQ 54 không chỉ lợi thế cho cả vùng đồng bằng sông Hồng mà còn là động lực để Thái Bình phát triển.

II – Những kết quả sau 5 năm thực hiện NQ 54

Số liệu tổng kết qua 5 năm triển khai, thực hiện NQ 54, nền kinh tế của Thái Bình có tốc độ tăng trưởng khá: GDP bình quân (2006 – 2010) đạt 12,02% (giai đoạn 2001 – 2005 đạt bình quân 7,22%). Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 16,1 triệu đồng (850 USD) gấp 2,8 lần so với năm 2005. Cơ cấu công nghiệp, xây dựng tăng từ 24% (2005) lên 33% (2010). Cơ cấu nông nghiệp giảm từ 41,8% xuống 33%. Cơ cấu dịch vụ 34%. Tăng tỷ trọng lao động công nghiệp – xây dựng từ 20,1% (2005) lên 22% (2010); dịch vụ từ 13,3% lên 15,7%; giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp tức 66,6% xuống 62,3%.

Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và khai thác các khu công nghiệp hiện có. Trong 5 năm (2006 – 2010) có 209 dự án đăng ký, với số vốn 50.350 tỷ đồng; tạo việc làm cho 86 người lao động; giá trị sản xuất tại các khu, cụm CN chiếm 45% tổng giá trị. Nghề và làng nghề tiếp tục phát triển, có 299 làng nghề đạt tiêu chuẩn, giải quyết việc làm cho 175.000 lao động. Sản xuất làng nghề chiếm 25% tổng giá trị công nghiệp.

Một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Các dịch vụ vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... phát triển mạnh, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác thu ngân sách đạt khá, bình quân tăng 17,5%/năm; thu trên địa bàn tỉnh tăng 12%/năm. Trong đó, thu nội địa tăng 25,8%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm.
Chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp phát triển khá. Giá trị chăn nuôi tăng 9,6%/năm. Thực hiện NQ T.Ư 7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” từ một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu rút ra sau 2 năm xây dựng nông thôn mới ở 8 xã điểm, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trong tỉnh.

Kinh tế biển là một trong 5 trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế, được đề ra từ Đại hội XVI đã chi kết quả khá: nuôi trồng thủy, hải sản mở rộng, năng lực và sản lượng khai thác tăng nhanh. Giá trị thủy sản tăng bình quân 11,3%/năm. Tỉnh đã trình với Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế biển quốc gia. Triển khai thực hiện các quy hoạch khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở Cồn Vành, Cồn Đen...

Thực hiện NQ 54, bốn năm (2007 – 2010) Thái Bình được Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư 334 tỷ đồng cho xây dựng giao thông, phát triển nông nghiệp, y tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh và các lĩnh vực khác. Đang triển khai xây dựng cầu Thái Hà qua sông Hồng và tuyến được Thái Bình – Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; đường vành đai phía nam thành phố.

III – Thái Bình trong mối liên kết vùng

Thái Bình năm trọng tâm Nam đồng bằng sông Hồng; cạnh tam giác kinh tế: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, lợi thế gần cảng Hải Phòng. Các phương tiện vận tải hàng hóa Bắc miền Trung ra cảng Hải Phòng đều qua Thái Bình. Nếu cơ sở hạ tầng được nâng cao và đầu tư mới sẽ rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa ra cảng.

Tuyến đường Thái Bình – Hà Nam nối với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình sẽ giúp cho việc vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp ở phía nam Hà Nội, Hà Nam ra Hải Phòng nhanh hơn, giảm áp lực cho tuyến đường 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có trình độ canh tác cao, có nhiều mô hình, cách làm mới rút kinh nghiệm cho cả vùng như: Xây dựng nông thôn mới, sản xuất giống lúa... góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả vùng và quốc gia.

Có trung tâm điện lực, công suất 1.800MW, trong quy hoạch phát triển quốc gia, đang quy hoạch khu kinh tế biển quốc gia; xây dựng cơ sở hạ thầng để đầu tư khai thác nguồn tài nguyên khí ngoài thềm vịnh Bắc Bộ. Chuẩn bị cho việc khai thác và sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng. Hình thành các tổ hợp công nghiệp khí – điện – đạm... Đây sẽ là động lực cho phát triển công nghiệp phụ trợ trong tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình có nhiều chùa, đền thờ nổi tiếng, nhiều lễ hội tâm linh, các làn điệu chèo truyền thống. Năm 2009, Thái Bình tổ chức ngày hội văn hóa – thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất. Tổ chức hội thảo du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng để từng bước hình thành tuyến du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Có trường Đại học Y đào tạo nguồn bác sĩ và cán bộ quản lý y tế cho vùng và cho nước bạn Lào, Campuchia. Đang tập trung đào tạo chiều sâu và liên kết với Singapore để hình thành Trung tâm khám chữa bệnh cho vùng và quy hoạch phát triển khu công nghiệp sản xuất dược.

IV - Vẫn là " Lực bất tòng tâm"

Vị trí động lực của Thái Bình, trong lộ trình phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng đã được xác định. Tuy nhiên, để “động lực” ấy phát triển, cần lắm sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đó là:

- Nhà nước xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn vùng, tạo mối liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng; giảm bớt chênh lệch giữa các địa phương. Quan tâm đầu tư phát triển tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng; đây là tiểu vùng có nhiều tỉnh còn khó khăn, trong đó có Thái Bình.

- Giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước có kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình và tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn có tác động đến phát triển kinh tế vùng như: Cảng Lạch Huyện, sân bay Tiên Lãng, Quốc lộ 39, 10, 37 và cầu Trà Linh; Dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình. Nghiên cứu, cho phép xây dựng đập ngăn mặn sông Hóa, sông Trà Lý. Đầu tư xây dựng kè chắn cát ổn định luồng vào cảng Diêm Điền. Cho phép tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xây dựng đường ống dẫn dầu khí từ ngoài thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ (lô 102 – 106) vào Thái Bình để tiếp tục phát triển khu công nghiệp khí mỏ Tiền Hải và phục vụ cho cả vùng. Cho phép Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng, phục vụ cho phát triển công nghiệp Thái Bình và vùng đồng bằng sông Hồng.

- Trung ương Đảng, Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế ven biển Thái Bình theo quy chế khu kinh tế biển quốc gia để tạo điều kiện cho Thái Bình xây dựng khu công nghiệp khí – điện – đạm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, kết hợp đảm bảo quốc phòng - an ninh ven biển. Trung ương có chính sách hỗ trợ khảo sát, nghiên cứu, thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến mở rộng diện tích đất tự nhiên do lấn biển ở các tỉnh duyên hải nói chung, Thái Bình nói riêng. Hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư cho Thái Bình thực hiện các dự án đang triển khai từ năm 2006 – 2010...

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa