Thứ 7, 23/11/2024, 18:21[GMT+7]

Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị Cái khó không bó cái khôn

Thứ 4, 17/08/2011 | 07:55:42
2,292 lượt xem
Ngày 30/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo kết luận số 31 TB/TU về Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) các huyện, thành phố. Đến nay, Thông báo kết luận 31 đã đi vào cuộc sống được 5 năm, giúp cho nhiều Trung tâm BDCT vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, không ít trung tâm đã phải hoạt động trong tình thế: “Tiến thoái lưỡng nan”, gánh trọng trách lớn, nhưng điều kiện phục vụ không tương xứng. Và phần lớn các Trung tâm đã tự xoay xở để bất luận thế nào thì “cái khó, cũng không bó được cái khôn”.

Mặt được sau Thông báo kết luận 31.

Thông báo kết luận 31 ra đời, thể hiện sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác bồi dưỡng chính trị trong tình hình mới. Đồng thời cũng thấy rõ hơn vai trò, vị trí của các Trung tâm BDCT trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH. Giúp cấp ủy, chính quyền nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về sự cần thiết phải kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm BDCT. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá, xây dựng quy hoạch Trung tâm BDCT theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh... bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách thực hiện cho yêu cầu phát triển, cũng như hoạt động của các Trung tâm.

Với vai trò là cơ quan trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, đề án quy hoạch tổng thể, quy định rõ về tiêu chí, quy mô của Trung tâm BDCT cấp huyện. Hàng năm, hướng dẫn Trung tâm thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm.

Kết quả, 5 năm (2006 – 2011), các trung tâm BDCT đã mở được 1.834 lớp, cho 208.653 lượt học viên ở 22 chương trình. Nhìn chung, các trung tâm đã có nhiều cố gắng, bám sát và hoàn thành kế hoạch công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh giao; bảo đảm chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập ở tất cả các nội dung chương trình.

Gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị với nhu cầu thực tiễn của địa phương đơn vị; tích cực chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở lớp: Tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết  của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở; các lớp học tập chuyên đề về chủ nghĩa yêu nước, xây dựng nông thôn mới, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các chức sắc, chức việc tôn giáo và học tập chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Tổ chức bộ máy cán bộ của các Trung tâm được kiện toàn: 8/8 trung tâm bố trí đủ số lượng biên chế theo quy định, bảo đảm tính chủ động trong công tác quản lý và giảng dạy; một số trung tâm đã hợp đồng thêm cán bộ làm việc theo nhu cầu công việc. Tổng số cán bộ, giảng viên ở các trung tâm hiện nay là 43; trong đó 31 người có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng (72,1%) 14 có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận (32,6%) 11 trung cấp, 18 sơ cấp.

Về cơ sở vật chất, sau 14 năm thành lập và 5 năm thực hiện Thông báo kết luận 31, có 6/8  Trung tâm đạt tiêu chuẩn theo quy định chung của tỉnh, diện tích khuôn viên 5.000 đến 7.000m2 là: Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà. Có 2 trung tâm kết hợp với trung tâm hội nghị là Quỳnh Phụ và Kiến Xương. Trung tâm thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng vào quý III năm 2011. Các trung tâm đều có hội trường từ 130 đến 350 chỗ ngồi. 7 trung tâm có phòng học 60 đến 100 chỗ ngồi; 4 trung tâm có phòng hội thảo 50 – 80 chỗ ngồi. 6/8 trung tâm có nhà ăn phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ cho học viên. Hàng năm, UBND huyện cấp 40 đến 45 triệu đồng cho yêu cầu cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp. 100% các trung tâm đều được trang bị hệ thống máy vi tính nối mạng internet; máy photocopy, máy in, máy chiếu, máy tính xách tay... phục vụ cho giảng dạy giáo án điện tử và công tác văn phòng. Hệ thống thư viện, phòng học, tủ sách được đầu tư, mỗi trung tâm có 120 đến 250 đầu sách phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập; kinh phí hỗ trợ mức tiền ăn cho học viên từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/người/ngày.

“Cái khó” của các trung tâm.

Sau khi có Thông báo kết luận 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoạt động của các trung tâm “dễ thở” hơn và ít băng bó, cả về cơ sở vật chất và biên chế. Tuy nhiên, các trung tâm vẫn chưa thoát ra khỏi những khó khăn, trở ngại như: Công tác chiêu sinh, mở lớp gặp khó khăn, do số lượng học viên ở cơ sở ngày càng ít, nhất là các chương trình cơ bản, dài ngày. Cơ chế phân bổ kinh phí, ngân sách còn nhiều bất cập, chưa thống nhất.

Trung tâm BDCT là nơi lập kế hoạch, trình cấp ủy thông qua, nhưng duyệt chi, cấp kinh phí là UBND huyện nên luôn bị động trong thực hiện kế hoạch. Nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, ngoài phần chi cứng như: lương và các khoản đóng góp theo lương. Phần lớn còn lại dành để phục vụ cho hoạt động chuyên môn, cho dù đã hết sức tiết kiệm và chi tiêu hợp lý, vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Các phương tiện nghe, nhìn hiện đại; tài liệu, sách tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên, học viên còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Các chế độ, chính sách đối với người học, người dạy chậm thay đổi, chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của đơn vị sự nghiệp làm công tác giáo dục lý luận, chính trị.

Quy chế quản lý hoạt động của Trung tâm BDCT theo Quyết định 185/QĐ-TW ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương như hiện nay còn nhiều bất cập nhất là việc đầu tư xây dựng, nâng cấp trang bị cơ sở vật chất, trong công tác chuyên môn cũng như quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ.

Chất lượng đội ngũ giảng viên của Trung tâm còn hạn chế, tỷ lệ giảng viên có chuyên môn, được đào tạo đúng chuyên ngành chưa nhiều; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tin học của một số cán bộ, giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình hiện nay. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của các trung tâm luôn có sự biến động, số giảng viên kiêm chức là cán bộ chủ chốt của các huyện, thành phố... nên việc nghiên cứu tài liệu, đầu tư thời gian, trí tuệ vào bài giảng, cũng như nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế.

Cơ sở vật chất của nhiều trung tâm đã xuống cấp, sửa chữa chắp vá, thiếu môi trường cảnh quan sư phạm. Trung tâm Đông Hưng chưa có trụ sở riêng, diện tích nhỏ, hẹp; không có nhà ăn, khu  vực để xe cho cán bộ, học viên. Trung tâm thành phố đã được quy hoạch ở phường Hoàng Diệu, nhưng chưa triển khai xây dựng.

Khó khăn là thế, nhưng hầu hết các Trung tâm BDCT huyện, thành phố đều tìm cách khắc phục, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Cái khó, không bó được cái khôn. Nhưng cứ khó mãi thì sức chịu đựng cũng có hạn, cần có sự quan tâm đầu tư để công tác giáo dục lý luận chính trị đặt đúng tầm, đúng hướng và đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa