Chủ nhật, 24/11/2024, 15:28[GMT+7]

Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”

Thứ 5, 01/02/2018 | 09:03:20
1,966 lượt xem
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), sáng ngày 1/2, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”.

Các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Đoàn Chủ tịch hội thảo. 

Dự hội thảo có các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các nhà khoa học; đại diện các huyện, các trường liên quan, dòng họ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Đảng ủy thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ:  Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đề nghị thực hiện “vô sản hóa”, giúp những cán bộ cách mạng xuất thân từ thanh niên trí thức hiểu rõ hơn cuộc sống của người công nhân, thực sự đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và thúc đẩy phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Cuộc hội thảo được tổ chức vừa để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừa góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thái Bình là vùng đất có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái và hiếu học đã góp phần tạo dựng nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Thái Bình cũng là nơi sản sinh và hun đúc nên nhiều bậc hiền tài, những chiến sĩ cách mạng tiền bối, những nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, tiêu biểu trong số đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Tự hào về truyền thống quê hương, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn người con của quê hương Thái Bình đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. 

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tiếp nối sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình quyết tâm vươn lên, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Từ một tỉnh nghèo đến nay, Thái Bình đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 8,04%/năm. Đặc biệt, năm 2017, GRDP trên địa bàn đạt 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có 186 xã (chiếm 70,7% tổng số xã) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới... 

Thông qua hội thảo khoa học và các hoạt động kỷ niệm sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Qua đó góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương văn hiến, anh hùng, là nguồn cổ vũ quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Các đại biểu dự hội thảo.

Tại hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, bằng những lý giải khoa học, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm rõ các nhân tố tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí cách mạng và ảnh hưởng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân nói riêng, của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng của Thái Bình. 

Các đại biểu, các nhà khoa học cũng khẳng định: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xứng đáng là người đồng chí, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy chỉ trong 7 năm nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giai cấp công nhân và Đảng ta; trở thành tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Đặc biệt, những câu chuyện kể về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại hội thảo đã giúp đã giúp các đại biểu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tăng thêm sự cảm phục và hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với đất nước, với nhân dân, với quê hương Thái Bình.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cuộc hội thảo đã góp phần làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Qua hội thảo chúng ta bày tỏ, đánh giá, tri ân những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với Đảng, với phong trào công nhân Việt Nam và với phong trào cách mạng của Thái Bình. Thông qua hội thảo, chúng ta rút ra những bài học quan trọng trong xác định tư tưởng, đường lối cách mạng; triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi đảng viên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí mong rằng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình cùng quân và dân cả nước tiếp tục học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh theo con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc đã lựa chọn, đưa Thái Bình sớm trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt.

Thu Hiền – Nguyễn Hình

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Hội thảo lần này có 45 bài tham luận luận giải sâu sắc, toàn diện về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam, quê hương Thái Bình. Nội dung tập trung vào 4 vấn đề chính: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam; người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Thái Bình. 

Qua các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, những câu chuyện về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã khẳng định và phản ánh một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp, làm nổi bật những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. 

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong bối cảnh toàn Đảng và toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Vì vậy, cuộc hội thảo hôm nay là sự tri ân của chúng ta đối với những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời là hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập và là lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng chí có công xây dựng Công hội đỏ các tỉnh, thành phố và trong các cơ sở công nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm 20 của thế kỷ XX. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam giúp chúng ta thấy rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn lịch sử, phong trào công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về số lượng, tăng cường về chất lượng, đa dạng về cơ cấu. Hơn 17 triệu công nhân, viên chức, lao động đang có mặt ở tất cả các ngành nghề kinh tế của đất nước đã đóng góp hơn 75% sản phẩm cho xã hội và trên 65% GDP cho đất nước. Các cấp Công đoàn Việt Nam từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; không ngừng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. 

Hiện nay, Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, Công đoàn Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề mới và rất lớn, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn; lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động; lấy đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn chủ yếu; tập trung các nguồn lực để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; có những đóng góp rõ nét, hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng:

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một trong những nhà lãnh đạo trẻ tài ba, tiền bối của Đảng. Đồng chí là một trong những người có công đầu truyền bá và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân nước ta. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, khát khao giành độc lập cho dân tộc cháy bỏng, bất khuất và ý chí kiên cường, dũng cảm đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đồng chí đã có những đóng góp lớn lao vào công tác tuyên truyền, thành lập Đảng, xây dựng Đảng ta từ những ngày đầu. Trong những năm hoạt động bí mật, cũng như khi bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng và chí khí của người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt mọi gian nguy, thử thách. Những hoạt động và đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong công tác xây dựng Đảng chủ yếu được thể hiện thông qua những hoạt động thực tiễn phong phú trong phong trào yêu nước, phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, đặc biệt và nổi bật là việc đồng chí sáng lập, chỉ đạo hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, góp phần quan trọng và trực tiếp xây dựng Đảng ta với tư cách là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Những đóng góp ấy có ý nghĩa to lớn và được bắt nguồn từ tư tưởng đường lối chính trị, tổ chức đúng đắn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Đảng ta. Nguyễn Đức Cảnh đã học tập, lĩnh hội và áp dụng vào hoạt động thực tiễn những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, trong sách "Đường Kách mệnh". 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc, về tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi để nâng cao trình độ cả trong lý luận và thực tiễn; tích cực đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng; đồng chí cũng nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản. Đồng chí đã trọn đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chỉ vẻn vẹn có 24 năm (1908-1932). Ngắn, nhưng lại đạt đến cái tối đa của sự dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngắn, nhưng Nguyễn Đức Cảnh để lại tiếng thơm cho đời. Ngắn, nhưng lại chất chứa bao điều nhắn nhủ cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cuộc đời của đồng chí đã để lại những bài học quý giá cho hậu thế đó là bài học về: Sự tiếp tục bồi dưỡng cho một chí hướng yêu nước, người cách mạng là phải sâu sát với người lao động, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ do Đảng phân công. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có nguồn gốc xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa tình; đồng thời trải qua không ít sóng gió, va đập trong cuộc sống thời niên thiếu do sớm bị mồ côi cha. Không xuất thân trong gia đình công nhân và bản thân mình là một học sinh, nhưng Nguyễn Đức Cảnh chủ động bám sát vào phong trào đấu tranh của công nhân. Lịch sử tổ chức Công đoàn và Phong trào công nhân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ tới Nguyễn Đức Cảnh, người có công rất lớn, người khai sinh ra tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ và tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

Bài học từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh nói chung cũng như từ khi Nguyễn Đức Cảnh gắn bó với phong trào công nhân với cả hai trách nhiệm: vừa là người công nhân vừa là một người cán bộ lãnh đạo của tổ chức Thanh niên và của Đảng, cho chúng ta thấy rõ sự gắn bó tất yếu về nhân sự với phong trào cách mạng. Không thể có một phong trào cách mạng phát triển thực sự khi cán bộ lãnh đạo của phong trào đó không thấu rõ hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của những người tham gia phong trào. Ở trên cương vị nào Nguyễn Đức Cảnh cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Đảng giao cho và hoàn thành một cách xuất sắc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua gần 90 năm hoạt động vì mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản. Gương sáng của Nguyễn Đức Cảnh, một con người của thời dựng Đảng, vẫn còn lan tỏa, cần tiếp nhận gương sáng đó, noi theo gương sáng đó để làm cho đất nước Việt Nam đứng lên đài quang vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội:

Thái Bình là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và nhiều chí sĩ yêu nước khác. Có thể khẳng định, những phẩm chất truyền thống đã góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của quê hương Thái Bình, lại được nuôi dưỡng, chở che từ truyền thống của một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Cuộc đời của Nguyễn Đức Cảnh ngắn (1908-1932), nhưng sự nghiệp hay cống hiến của ông cho cách mạng Việt Nam thật lớn lao. 

Cống hiến nổi trội của Nguyễn Đức Cảnh được biểu hiện trên 2 phương diện. 

Thứ nhất: là một trong những người thấm nhuần tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc hướng phát triển vào công nhân, khi phát hiện thấy tổ chức chính trị thân cộng này có khả năng đi chệch hướng đã nhanh chóng đưa ra giải pháp đúng đắn, sáng tạo cho phong trào tiếp tục phát triển. Phong trào vô sản hóa được phát động ở Bắc Kỳ nhanh chóng trở thành phong trào của Hội Thanh niên trên quy mô toàn quốc. Phong trào vô sản hóa sáng tạo đó đã thúc đẩy mạnh sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân, nhân tố quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Thứ hai: là người lăn lộn trong phong trào công nhân ở trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam - vùng mỏ Quảng Ninh và thành phố cảng Hải Phòng, thấu hiểu nguyện vọng cấp thiết của họ, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với những đồng chí của mình như Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện sớm bắt tay xây dựng các tổ chức nghiệp đoàn trong công nhân. Và cuối cùng Nguyễn Đức Cảnh trở thành lãnh tụ của tổ chức công hội Việt Nam. Và với tư cách đó, đồng chí thay mặt giai cấp công nhân Việt Nam có mặt tại Hội nghị hợp nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

Nguyễn Hình