Chủ nhật, 24/11/2024, 19:10[GMT+7]

Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

Thứ 3, 15/05/2018 | 08:19:51
2,548 lượt xem
Cách đây 70 năm, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi của Bác đã khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hết sức vẻ vang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ và nhân dân Thái Bình..

Học tập và phát huy tư tưởng, quan điểm của Người về thi đua yêu nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn vận dụng, phát triển một cách sáng tạo trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương. 

Trong nhiều năm qua, các phong trào thi đua được tỉnh phát động, triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua và tổng kết khen thưởng các phong trào cũng đã có sự đổi mới rõ nét so với những năm trước. 

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức phát động thi đua gắn với việc học và làm theo lời Bác một cách phù hợp, đặc biệt các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao những lúc cao điểm đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện vượt và đạt các chỉ tiêu cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra. UBND tỉnh, các ngành, các địa phương, đơn vị đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm cũ, triển khai nhiệm vụ năm mới, tôn vinh các điển hình tiêu biểu, phát động phong trào thi đua yêu nước với các chủ đề, chủ điểm cụ thể. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào thi đua yêu nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn, thành lập các cụm, khối thi đua và việc bình xét thi đua của các cụm, khối. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng cũng được củng cố và nâng cao chất lượng.

Năm 2017, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã tổ chức 8 cuộc kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng của các huyện, thành phố, qua đó, tìm ra hạn chế, kịp thời đề ra biện pháp khắc phục giúp các đơn vị làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Thực hiện tốt việc rà soát, bãi bỏ hoặc đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính chồng chéo, thực hiện niêm yết công khai thủ tục trên trang thông tin điện tử của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh về các văn bản luật liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến của các phong trào thi đua ở các tổ chức, đơn vị, địa phương.

Cô và trò Trường Tiểu học Đông Xuân (Đông Hưng) thi đua dạy tốt, học tốt.

Do làm tốt công tác thi đua, khen thưởng nên nhiều phong trào thi đua yêu nước được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Người tốt, việc tốt”; “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”; “Tuổi cao chí càng cao”; “Người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; thi đua xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư “văn hóa”... 

Trên lĩnh vực kinh tế, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua vượt qua khó khăn, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó có các giải pháp khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đổi mới, áp dụng công nghệ mới tạo sản phẩm chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích tiêu dùng; triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục phiền hà. Năm 2017, cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết của trên 1.000 thủ tục, trong đó có gần 500 thủ tục được cắt giảm trên 50% thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Do vậy, năm 2017, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 45.360 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2016. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,51%; công nghiệp, xây dựng tăng 22,7%; dịch vụ tăng 7,78% so với năm 2016. Xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh. Thu ngân sách nội địa đạt 7.018,1 tỷ đồng, đạt 115,9% dự toán Bộ Tài chính. Chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2016.

Dây chuyền sản xuất sữa gạo Bibabibo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen.

Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực, các tầng lớp nhân dân không chỉ đồng thuận cao mà còn tham gia hiến kế, hiến hàng chục nghìn ngày công, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, tự nguyện dỡ bỏ và hiến công trình trên đất cùng hàng nghìn mét vuông đất xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp, đời sống của người dân nông thôn từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 200/263 xã (đạt 76%) đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó có 186 xã (chiếm 70,7% tổng số xã) và huyện Hưng Hà đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn 14 xã hoàn thành đủ 19 tiêu chí đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hết quý I/2018, tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt trên 83%.

Lương y, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn thăm khám cho bệnh nhân.

Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và thông tin, truyền thông đạt nhiều kết quả tốt và chuyển biến tiến bộ. Các chính sách đối với người và gia đình có công được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời; các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn được quan tâm duy trì thường xuyên. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; tình hình chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Sản xuất giống cây trồng tại Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Nhiều năm qua, công tác khen thưởng được chỉ đạo chặt chẽ từ khâu đề xuất, lựa chọn và thực hiện quy trình khen thưởng theo quy định, bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch phát huy tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Năm 2017, toàn tỉnh có 40 tập thể, cá nhân được trao tặng huân chương lao động. Trong đó: 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 tập thể và 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 7 tập thể và 24 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 11 tập thể được Chính phủ tặng cờ thi đua; 81 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước khen thưởng; trên 1.300 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng…

Cơ sở sản xuất khung xe đạp Mừng Hương (Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ).

Để thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì mọi khó khăn sẽ được khắc phục, nhiệm vụ gì cũng sẽ hoàn thành tốt. Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bùi Văn Hiền

(Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh,

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh)