Chủ nhật, 24/11/2024, 22:03[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công an nhân dân

Thứ 5, 14/06/2018 | 16:07:37
3,451 lượt xem
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ năm, sáng ngày 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận. 

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu cho rằng Bộ Công an đã có quyết tâm chính trị rất cao, mạnh mẽ và quyết liệt với nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định về Công an xã, phường, thị trấn trong hệ thống, tổ chức của công an nhân dân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định cụ thể về lộ trình thực hiện, chức năng, nhiệm vụ, công tác đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị, việc thực hiện chế độ, chính sách và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như công tác phối hợp với lực lượng quân sự để làm cơ sở xây dựng công an xã, thị trấn chính quy đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ; đề nghị xem xét quy định cụ thể ngay trong luật vị trí, chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng và số lượng Cục đặc biệt để đảm bảo sự chặt chẽ, công khai, minh bạch và thuận lợi cho việc giám sát, thi hành luật; về quy định cấp bậc hàm cao nhất với Giám đốc công an tỉnh loại 1 là thiếu tướng, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tiêu chí của Giám đốc công an tỉnh, đồng thời cân nhắc thực tế hiện nay Giám đốc công an tỉnh và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thì bố trí luôn có tính tương đồng, vì vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh đều có tầm quan trọng như nhau ở các địa phương. Nếu Giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng, Chỉ huy trưởng quân sự là đại tá thì cũng sẽ có tâm tư; về hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan và sĩ quan, trong trường hợp đơn vị có nhu cầu, sĩ quan đủ một số tiêu chí về phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ. Như vậy, sẽ có một số sĩ quan từ cấp úy đến cấp thượng tá có thể sẽ được kéo dài thời gian phục vụ ngang bằng với cấp đại tá và nếu không minh bạch trong việc này sẽ dẫn tới việc thực hiện luật không công bằng, đề nghị cần làm rõ về những vị trí có nhu cầu và có thể được kéo dài trong dự thảo luật.

Trước đó đầu giờ buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Kết quả biểu quyết tại hội trường: có 460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, chiếm 94,46%; có 457 đại biểu tán thành, chiếm 93,84 %; 01 đại biểu không tán thành, chiếm 0,21%; 02 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,41%. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 3 điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, tiếp đó Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)