Thứ 7, 28/09/2024, 06:22[GMT+7]

Việt Nam - Đức: Quan hệ đối tác chiến lược

Thứ 4, 12/10/2011 | 07:34:54
1,548 lượt xem
Sau Lễ đón và Hội đàm diễn ra sáng 11/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ký Tuyên bố Hà Nội, chính thức nâng cấp quan hệ 2 nước thành quan hệ đối tác chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel sang thăm chính thức nước ta. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm chính thức của bà Angela Merkel tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ 2 nước đang phát triển tích cực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt Đức đang là đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam và châu Âu.
 
Với mong muốn hợp tác sâu rộng và chiến lược hơn nữa, chuyến thăm của bà Angela Merkel chính là một sự kiện quan trọng đánh dấu cho mối quan hệ 2 nước chính thức bước lên tầm cao mới.
 
Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Angela Merkel và Đoàn Đại biểu Cấp cao Chính phủ Đức thăm Chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đây là một sự kiện quan trọng trong quan hệ 2 nước, đồng thời là dịp để hai bên đánh giá tình hình hợp tác giữa hai nước; trao đổi những phương hướng, biện pháp nhằm đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược.
 
Về phần mình, bà Angela Merkel khẳng định: Chính phủ Đức và cá nhân bà rất trông đợi chuyến thăm này. Khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang tiến triển hết sức tốt đẹp, bà Merkel cho rằng, ngày 11/10/2011 chính thức đánh dấu cho một trang mới trong quan hệ 2 nước; và đó chính là nền móng mới để hai nước mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ở tầm cao chiến lược.
 
Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như chia sẻ tầm nhìn và chiến lược trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam, người đứng đầu chính phủ Đức nhấn mạnh: Nước Đức mong muốn tham gia vào quá trình phát triển này cũng như sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu của mình.
 
Thảo luận về các phương hướng và biện pháp hợp tác song phương, hai Thủ tướng nhất trí hợp tác chặt chẽ về chính trị - ngoại giao, thường xuyên trao đổi đoàn Cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị, nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước thành lập và tổ chức Nhóm Điều hành Chiến lược Việt - Đức.
 
Hai bên cũng khẳng định tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và tổ chức đa phương, nhất là Liên Hợp quốc. Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ đối với Đức trong việc ứng cử trở thành Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ khi tổ chức này cải tổ, ủng hộ và làm cầu nối để Đức tăng cường quan hệ với ASEAN. Đức cũng ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu - EU; thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam; sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
 
Về thương mại và đầu tư, hai Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được là chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và tầm mức quan hệ 2 nước, do đó hai bên sẽ thúc đẩy mọi biện pháp, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh tại thị trường của nhau; triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác lớn giữa hai nước như Trường Đại học Việt Đức, Dự án "Ngôi nhà Đức"; tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai Thủ tướng cũng nhất trí triển khai cơ chế Đối thoại chiến lược về kinh tế với mục đích tháo gỡ và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và trao đổi về kinh tế vĩ mô. Đức cũng khẳng định tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu, y tế.
 
Hai Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm về nhiều lĩnh vực hợp tác trụ cột khác như giáo dục - đào tạo; hợp tác tư pháp và pháp luật; văn hóa; khoa học - kỹ thuật và Quốc phòng. Về giáo dục, Đức cam kết tăng cường học bổng cho sinh viên Việt Nam và khuyến khích giới trẻ Việt Nam theo học tại Đức; cam kết đưa Trường Đại học Việt - Đức trở thành một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong khu vực. Thành lập Trường THPT quốc tế Việt - Đức và đưa tiếng Đức giảng dạy trong một số trường phổ thông tại Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định ngay trong chuyến thăm này việc cung cấp ODA và giúp Việt Nam Trung tâm Đào tạo nghề xuất sắc theo mô hình đào tạo song hành rất nổi tiếng và thành công của Đức.
 
Hai bên cũng khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, cải cách hành chính và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này. Nhất trí sớm ký kết Hiệp định khoa học và công nghệ; tiếp tục các chương trình bảo tồn các di sản văn hóa của Việt Nam. Hai Thủ tướng cũng trao đổi quan điểm về vấn đề nhân quyền và nhất trí thực hiện đối thoại về vấn đề này trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.
 
Hai Thủ tướng khẳng định hai bên đã có cuộc Hội đàm hết sức thành công trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt, hai Thủ tướng cũng chính thức tuyên bố và đánh giá cao 2 nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Việt Nam và Đức là bạn hàng và đối tác kinh tế quan trọng của nhau, có quan hệ hữu nghị truyền thống. Việt Nam có hàng trăm ngàn người Việt đang sinh sống và học tập tại Đức. Tại Việt Nam cũng có con số tương tự người Việt biết tiếng Đức. Hai nước cũng mong muốn tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế, hai nước nhận thấy phải đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới vì phồn vinh của 2 nước cũng như trên thế giới. Vì vậy, 2 bên đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược".
 
Thủ tướng Angela Merkel cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh là quan hệ 2 nước hiện giờ rất sâu rộng, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, đào tạo. Tất cả đã và đang tạo dựng nên mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thể hiện qua nhiều dự án cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Tôi gọi đó là những ngọn hải đăng tỏa sáng cho hợp tác Đức - Việt Nam. Tôi rất vui vì quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được đặt trên một nền tảng vững chắc hơn và tôi cũng như ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tin rằng, quan hệ hai nước còn phát triển hơn nữa. Tôi cũng muốn nói thêm, cả Đức và Việt Nam đều có những con người hiểu rất rõ về bên kia và chính họ sẽ góp phần kiến tạo quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.
 
Cũng nhân dịp chuyến thăm này, hai Thủ tướng đã trao đổi nhiều vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề nợ công ở châu Âu và triển vọng kinh tế của khu vực đồng Euro. Bà Angela Merkel cũng gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lời thăm hỏi đối với nhân dân vùng phải chịu lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel đã ký Tuyên bố chung Hà Nội, Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai, chính thức đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới. Hai Thủ tướng cũng ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về dự án “Ngôi nhà Đức” ở Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Tiếp đó, Hai Thủ tướng cũng chứng kiến Lễ ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác tài chính năm 2012. Theo Hiệp định này, năm tới Đức sẽ tài trợ cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trị giá khoảng 450 triệu USD; chứng kiến ký Ý định thư giữa 2 Bộ Tư pháp về tiếp tục Chương trình Hợp tác Pháp luật và Tư pháp; ký Ý định thư hợp tác giữa Tổng cục Hậu Cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) với Nhà in Quốc gia Đức.

Theo VTV

  • Từ khóa