Thứ 7, 23/11/2024, 14:43[GMT+7]

Tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười

Thứ 2, 07/11/2011 | 08:16:52
1,593 lượt xem
Ngày 25 Tháng Mười (theo lịch Nga) tức ngày 7-11-1917, cuộc cách mạng Nga do V.I.Lê-nin và Ðảng Bôn-sê-vích lãnh đạo - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trong lịch sử thế giới giành thắng lợi, lập nên nhà nước công nông, do giai cấp công nhân nắm chính quyền để xây dựng một xã hội mới, xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, tác động toàn diện, sâu sắc nhất đến tiến trình phát triển của lịch sử thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt một mắt xích trong dây chuyền của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đẩy CNTB vào cuộc tổng khủng hoảng trầm trọng và suy yếu. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười làm rạn nứt hệ thống tư bản chủ nghĩa. Các nước tư bản hàng đầu ở châu Âu (khi đó gồm 14 nước) đã tiến hành một cuộc chống phá suốt bốn năm (từ năm 1918 đến năm 1922) hòng tiêu diệt nước Nga Xô-viết. Nhưng nước Nga Xô-viết vẫn đứng vững. Chẳng những thành quả của Cách mạng Tháng Mười được bảo vệ mà còn xuất hiện một Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa trải rộng trên cả hai châu lục Âu - Á. Cách mạng Tháng Mười đã thổi một luồng gió mới làm bùng lên cuộc đấu tranh của nhân dân lao động toàn thế giới tiến công vào CNTB, khiến cho hệ thống này lâm vào cuộc khủng hoảng quy mô toàn thế giới trong những năm 1929 - 1933. Lực lượng hiếu chiến nhất trong thế giới tư bản đã tìm cách thoát khỏi khủng hoảng bằng việc phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mà kết quả là chủ nghĩa phát-xít bị tiêu diệt. Sau chiến tranh, CNTB còn tiếp tục bị chặt đứt nhiều mắt xích khác ở châu Âu, châu Á, Mỹ la-tinh, hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) - lực lượng chính trị quan trọng góp phần to lớn thúc đẩy tiến trình phát triển lịch sử loài người. Cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB trở thành cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt nhất trên hành trình tiến lên của lịch sử loài người.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định sự đúng đắn, tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác được V.I. Lê-nin vận dụng, bổ sung một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của nước Nga. Học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản (năm 1848) đã được V.I. Lê-nin phát triển trong giai đoạn CNTB chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc (CNÐQ). Những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác sau khi đi vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Những mục tiêu mà Công xã Pa-ri chưa đạt được đã được V.I. Lê-nin thực hiện thành công trong Cách mạng Tháng Mười. Thắng lợi này là sự khẳng định trong thực tiễn tính đúng đắn của các nguyên lý lý luận cơ bản, tính cách mạng và cơ sở khoa học trong dự báo của các nhà kinh điển mác-xít. CNXH - CNCS đã trở thành một thực tế sinh động trên một đất nước rộng lớn nhất thế giới - một đất nước đã đứng vững trước sự tiến công dồn dập của CNTB, sự cải biến cách mạng sâu rộng từ một nước Nga lạc hậu, "nhà tù của các dân tộc" thành một cường quốc thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định tính đúng đắn và bổ sung phát triển học thuyết Mác - Lê-nin, một hệ tư tưởng cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Cách mạng Tháng Mười là hồi chuông thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, mở ra thời cơ, vận hội mới cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Dưới tác động trực tiếp từ tấm gương chiến đấu của công - nông Nga, một cao trào đấu tranh bùng lên ở các nước châu Âu, kéo dài tới năm năm (1918 - 1923). Giai cấp công nhân cùng nhân dân lao động ở các nước tư bản Tây Âu đã nhất tề đứng lên dồn dập tiến công vào các chính thể tư bản, giành lại các quyền cơ bản của con người. Ở nhiều nước, trước phong trào đấu tranh do các Ðảng cộng sản, Ðảng công nhân lãnh đạo, CNTB đã phải nhượng bộ, đáp ứng các yêu sách của người lao động. Ðặc biệt, Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh, chỉ cho họ con đường, cách thức và phương pháp giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Cách mạng Tháng Mười mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới. Chỉ một ngày sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã ký Sắc lệnh hòa bình mở đầu một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, loại bỏ kiểu áp đặt bất bình đẳng tồn tại qua nhiều thế kỷ. Một chính sách ngoại giao mới, một quan hệ quốc tế mới được khẳng định là chính sách hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Một nhà nước kiểu mới được xây dựng trên nền tảng loại bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, không có người bóc lột người đã khẳng định Cách mạng Tháng Mười đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với CNXH và một thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người kế tục trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin khi nói về Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định, Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng triệt để nhất và ngọn đuốc lý luận Mác - Lê-nin, kinh nghiệm của nó soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những kinh nghiệm vô giá của Cách mạng Tháng Mười, Ðảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và rèn luyện hơn 80 năm qua đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Ðảng ta đã vận dụng kinh nghiệm trong lựa chọn định hướng, trong phương pháp cách mạng bạo lực, trong nghệ thuật chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc duy nhất do Ðảng Cộng sản lãnh đạo giành được chính quyền về tay nhân dân ở một nước thuộc địa. Thắng lợi đó là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới của thế kỷ 20.

Trong cách mạng XHCN và công cuộc đổi mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Ðảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 25 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đã làm sáng tỏ về mặt lý luận con đường quá độ lên CNXH, về Ðảng cầm quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lê-nin của Ðảng ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Tư tưởng V.I.Lê-nin và những bài học của Cách mạng Tháng Mười vẫn soi sáng cho đất nước ta trên con đường đổi mới hiện nay.

PGS,TS TRÌNH MƯU
 
(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)
  • Từ khóa