Làm theo lời Bác Thái Bình khắc ghi
Không nhiều địa phương trong cả nước vinh dự như Thái Bình được 5 lần đón Bác về thăm. Mỗi lần Bác về thăm là mỗi lần tỉnh Thái Bình thêm đổi mới, nhân dân Thái Bình thêm tiến bộ. Và 45 năm kể từ ngày Bác về thăm lần cuối (1/1/1967), Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc ghi lời dạy của Người, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trở lại năm 1946, chính quyền nhân dân vừa mới ra đời đã đứng trước muôn vàn thử thách. Trong bối cảnh ấy, sự kiện Bác Hồ về thăm hai lần (ngày 10/1 và ngày 28/4) đã kịp thời khích lệ, động viên Đảng bộ và nhân dân thêm phấn chấn, thêm niềm tin ở chặng đường còn nhiều gian khổ và chông gai phía trước. Thực hiện lời kêu gọi của Bác: ra sức diệt ba kẻ thù là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân.
Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Định khi trò chuyện với thế hệ hậu sinh vẫn còn vẹn nguyên xúc cảm một thời khó quên. Bà nói, ngày ấy tinh thần phơi phới; ngủ ít, làm nhiều nhưng không thấy mệt, không thấy khổ; mà ngược lại cờ rong trống mở, hừng hực khí thế xây dựng phong trào thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Như sống từng giây, từng phút quá khứ, bà bảo không chỉ riêng bà, mà tất cả mọi người, thông qua thực tế sản xuất đều thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác: Tấc đất, tấc vàng.
Ngoài cây lúa, nhân dân còn tận dụng mọi diện tích đất hoang, gò, bãi trồng thêm rau màu (đến ngay cả nhân dân Thị xã Thái Bình, hầu như gia đình nào cũng có một ụ đất trồng khoai ở trước cửa nhà); nhờ đó đã không chỉ khắc phục được nạn đói mà còn gửi ra ngoài Liên khu hàng trăm tấn thóc, hàng trăm tấn gạo. “Thấm” lời Bác, Thái Bình làm đến đâu được đến đấy. Thắng giặc đói ngay trong năm 1946, đến năm 1949, Thái Bình tiếp tục diệt được giặc dốt, trở thành một trong hai tỉnh (cùng Hà Tĩnh) thanh toán nạn mù chữ sớm nhất cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sổ vàng lưu niệm. Với giặc ngoại xâm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Thái Bình là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, diễn ra mạnh mẽ ở vùng sau lưng địch, nổi lên như một trong những điển hình xuất sắc; được Chính phủ tặng Huân chương độc lập hạng Nhất và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ thêu tám chữ vàng: “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”.
Năm 1958 (ngày 26/10), năm 1962 (ngày 26/3), Thái Bình lại tiếp tục vinh dự được đón Bác về thăm. Những lời huấn thị của Bác lại một lần nữa biến thành sức mạnh tập thể trong mỗi nhà máy, mỗi công trường, mỗi cánh đồng; thôi thúc lòng dân Thái Bình đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn ngày thêm giàu mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, nông dân Thái Bình đưa máy móc và sức điện vào công việc đồng áng. Vụ này qua vụ khác, lúa tốt bội thu, rau màu được mùa, chăn nuôi phát triển mạnh. Cùng với phong trào đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, phong trào khai hoang lấn biển, di dân xây dựng vùng kinh tế mới cũng giành được những thắng lợi nhất định, góp phần quan trọng chi viện cho tiền tuyến và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Cứ như thế, với nhiệt huyết cách mạng và niềm tin son sắt vào đường lối đúng đắn của Đảng, vào lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, gặt hái nhiều thành tích trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu. Ngày 5/11/1965, lần đầu tiên quân và dân Thái Bình bằng súng bộ binh đã bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Một năm sau, năm 1966, Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha trên toàn bộ diện tích trồng lúa; đánh dấu bước tiến vượt bậc của mặt trận sản xuất nông nghiệp, tạo tiếng vang rộng khắp cả nước.
Mừng những thắng lợi mới này, chiều ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng vị Cha già của dân tộc đặt chân lên mảnh đất năm tấn. “Ruộng đất khôn lắm, nó cũng biết suy tính đấy. Người chăm sóc nó chừng nào thì nó trả ơn cho người chừng ấy”. Lời dạy ấy của Bác vào đúng ngày đầu tiên của một năm mới (ngày 1/1/1967) không chỉ “thấm” đối với trên 100 cán bộ, xã viên được vinh dự gặp Bác, mà đi sâu vào tiềm thức, khắc đậm trong gan ruột của bốn vạn đảng viên và trên một triệu đồng bào Thái Bình lúc bấy giờ.
Rân rấn nước mắt, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Định kể lại cho thế hệ hậu sinh chúng tôi chi tiết buổi nói chuyện của Bác tại đình Phương Cáp xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư. Bà bảo: Bác nói rất dễ nghe, dễ hiểu, ai cũng như nuốt từng lời của Bác. Bởi vậy, sau Đại hội mừng công năm tấn, học tập lời huấn thị của Bác, với tinh thần cách mạng tiến công chiến thắng giặc Mỹ, Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một tỉnh hậu phương đối với tiền tuyến, thóc thừa cân quân vượt mức. Ngày 17/12/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời toàn thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình lên làm việc tại Phủ Chủ tịch. Sau khi khen ngợi Thái Bình, Người căn dặn: Tỉnh uỷ Thái Bình phải cố gắng phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Nhắc lại lời Bác Hồ, bà Định khóc nghẹn ngào...
Năm tháng trôi đi đổi mái đầu xanh của người thiếu nữ nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ thành mái đầu bạc, đổi làn da sạm nắng sạm gió với phong trào địa phương của vị nữ Phó Chủ tịch tỉnh thành những dấu đồi mồi phúc hậu trên gương mặt người bà, người mẹ gần 90 tuổi. Nhưng năm tháng không thể làm phai nhạt xúc cảm, ký ức của bà Lê Thị Định về Bác kính yêu, về những dấu mốc lịch sử của Thái Bình. Bà thân mật ôm lấy chúng tôi - những đứa trẻ ngày xưa, người lớn bây giờ nhưng chưa một lần biết bom rơi đạn nổ, chưa một lần ăn đói mặc rách và xúc động chia sẻ: Bà vẫn sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ này, như một cô hàng xén cẩn thận lưu giữ từng kỷ niệm, chăm chút từng kỷ vật liên quan đến Bác Hồ, đến chặng đường hoạt động cống hiến vì sự phát triển của tỉnh. Với bà, 45 năm qua, Thái Bình đã làm được rất nhiều việc Bác dạy, Bác mong...
Thực hiện mục tiêu “đổi mới toàn diện, đẩy mạnh CNH, HĐH, sớm đưa Thái Bình thoát khỏi tình trạng nghèo và chậm phát triển”, Thái Bình đã bằng nhiều giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả 5 trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế. Qua gần nửa thế kỷ, Thái Bình vẫn là “vựa lúa” của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với năng suất không chỉ dừng ở 5 tấn thóc/ha mà đã vượt ngưỡng trên 13 tấn thóc/ha. Đây là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học trong thâm canh tăng vụ, tăng vòng quay của đất. Những cánh đồng vàng đạt giá trị sản xuất 50 - 100 triệu đồng/ha/năm do mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vụ đông với những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều. Tấc đất tấc vàng, người chăm sóc đất - đất trả ơn cho người, nhớ lời căn dặn ấy của Bác, mỗi người dân quê lúa không chỉ khắc sâu trong tâm khảm mà còn biến thành hành động thực tế.
Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường cần..., Thái Bình đã và đang tiến đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Không chỉ vững vàng trên mặt trận nông nghiệp, trong những năm đổi mới, đặc biệt là từ năm 2000 trở lại đây, Thái Bình còn phát huy tốt nội lực, khai thác triệt để ngoại lực để phát triển mạnh công - thương, hoà nhịp với bước tiến của cả nước. Do đó, từ một tỉnh thuần nông, Thái Bình đã tạo bước chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng nhanh và tăng mạnh tỷ trọng công - thương. Đồng thời với việc tập trung phát triển kinh tế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đi sâu, đi sát, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường vận động để phát huy các nguồn lực xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Kết hợp chặt chẽ xây dựng nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Đảng bộ Thái Bình còn thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thông chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của dân với Đảng. Và niềm tin son sắt ấy đang ngày càng được nhân lên gấp bội khi Thái Bình đưa Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào hiện thực cuộc sống. Giờ đây, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đang ở độ chín, từng bước thay đổi diện mạo làng quê, thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng sung túc hơn, văn minh hơn và hiện đại hơn.
“Bác mong các đồng chí, đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Thực hiện lời căn dặn ấy, mong muốn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với thế và lực mới trong thế kỷ XXI, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới, tạo sức bật mạnh mẽ.
Hồng Thái
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh