Thứ 7, 28/09/2024, 04:20[GMT+7]

Góp ý dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Lao động

Thứ 3, 06/03/2012 | 09:47:21
1,587 lượt xem
Đoàn ĐBQH Thái Bình vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Phòng, chống tác tại của thuốc lá và Luật Lao động (sửa đổi). Ông Phạm Xuân Thường - Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình khoá XIII làm chủ toạ.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có 5 chương, 33 điều quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, với các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ luật cũng thể hiện chi tiết việc giải thích từ ngữ và những điều luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước, hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá. Hầu hết đại biểu đều bày tỏ nhất trí với việc cần thiết ban hành luật, đồng thời thống nhất cao với tên gọi, nội dung, bố cục.

Các đại biểu cũng thảo luận, góp ý thêm một số nội dung như: cần thể hiện rõ hơn nội dung “chống” trong phòng chống tác hại của thuốc lá; quy định rõ về quy chuẩn chất lượng thuốc lá; đưa quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải là người không hút thuốc lá. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định quảng cáo 50% trên bao thuốc lá và nên quy định quảng cáo cả ở nơi bán. Ngoài ra các biện pháp cai nghiện, quy định với người bán lẻ và liệt kê về quy định nơi hút  thuốc cũng có nhiều ý kiến thảo luận, góp ý bổ sung.

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) cũng thu hút nhiều sự quan tâm, thảo luận và góp ý của các đại biểu. Với 17 chương, 258 điều, Luật Lao động qui định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; việc làm, hợp đồng lao động, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, những qui định riêng đối với lao động nữ, đối với lao động chưa thành niên; vai trò của công đoàn trong quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động, quản lý Nhà nước về lao động và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật lao động...

Các ý kiến góp ý tập trung vào vấn đề tiền lương và tiền lương tối thiểu, cho rằng dự thảo luật quy định lương tối thiểu còn chưa bám sát thực tế giá cả thị trường. Về độ tuổi nghỉ hưu, các ý kiến nhất trí giữ nguyên tuổi nghỉ hưu 60 đối với nam và 55 đối với nữ, song đề xuất tăng lương khởi điểm và rút ngắn thời gian nâng lương cho lao động nữ. Về quy định nghỉ thai sản, các ý kiến nhất trí với phương án 2 của điều 156 là nữ được nghỉ thai sản 6 tháng. Song đề nghị thời gian nghỉ thai sản 6 tháng vẫn được đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua.

Thay mặt đoàn ĐBQH Thái Bình, ông Phạm Xuân Thường đánh giá cao kết quả của hội thảo với những ý kiến đóng góp chi tiết và chất lượng, Đoàn sẽ tổng hợp trình Quốc hội trong kỳ họp tới để Quốc hội xem xét thông qua.

Tin, ảnh: Hà Anh

  • Từ khóa