Thứ 7, 02/11/2024, 06:13[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi

Thứ 3, 28/05/2019 | 15:25:04
1,213 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi.

Audio: 2805_thoia_quochoithaoluan_mixdown.mp3

 

Dự thảo Luật có bố cục gồm 6 chương, 101 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. 

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Tuân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia một số nội dung cụ thể như: về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C: đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành, bởi vì việc nâng tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia là không cần thiết. 

Luật Đầu tư công hiện hành đã có quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp... Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện; Về thẩm quyền của HĐND các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án: nhất trí với quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các cơ quan thi hành nhiệm vụ trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; Về quy định “Trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước”,  đề nghị lựa chọn phương án là Quốc hội khóa cũ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới, để cho các địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vào năm đầu của kỳ trung hạn giai đoạn tiếp theo, đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung trong dự thảo Luật, để khi Luật được ban hành sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua như: việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; thực hiện phân cấp, phân quyền nhất là việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết, mất thời gian, cải tiến thực sự nhằm chuyển biến công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đầu tư công; thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc của nhiệm kỳ hiện tại đề ra.

Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật trên.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh