Thứ 2, 25/11/2024, 12:22[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ 2, 10/06/2019 | 15:30:10
1,234 lượt xem
Sáng 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các đại biểu đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia biểu quyết.

Audio: 100619_quoc_hoi_hop_mixdown.mp3

Đây là dự án luật rất quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56 của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật trong thời gian qua.

Các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia phát biểu ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ các ý kiến tập trung vào 3 vấn đề: về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; tiêu chí thành lập, số lương biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, cơ quan ngang bộ.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền sửa đổi thì các vị đại biểu tập trung vào các vấn đề như: về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại 2; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Trước đó đầu giờ buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 với 92,15% đại biểu Quốc hội tán thành.

Nghị quyết quy định, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp...

Buổi chiều, đầu giờ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)