Thứ 2, 25/11/2024, 14:28[GMT+7]

Kiểm tra tiến độ xây dựng Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn và thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 01/07/2019 | 14:22:15
2,118 lượt xem
Sáng ngày 1/7, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập và thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng, trồng cây ăn quả trên vùng đất bãi tại xã Hồng An (Hưng Hà); tham quan cây mít cổ giống dai vàng bản địa trên 100 năm tuổi tại xã Đông Giang (Đông Hưng).

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn.

Audio: 0207_kiem_tra_tien_do_xay_dung_khu_luu_niem_mixdown.mp3

Cùng đi có các đồng chí: Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hưng Hà và Đông Hưng.

Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn được quy hoạch với tổng diện tích gần 20 ha được phân chia thành các khu chính: Khu lưu niệm được xây dựng mới nằm ở phía Đông khu đất quy hoạch; khu di tích cổ nằm ở phía Tây khu đất quy hoạch và khu dịch vụ công cộng. Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã và đang hoàn thiện. 

Sau khi nghe lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà và đại diện đơn vị thi công báo cáo tiến độ xây dựng Khu lưu niệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, trong đó các hạng mục chính phải được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 293 năm ngày sinh của Nhà bác học Lê Quý Đôn (2/8/1726 - 2/8/2019). Giám sát chặt chẽ quá trình thi công và sau thi công, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ công trình. Tập trung san bằng, lấp trũng theo quy hoạch; đồng thời dứt điểm thanh lý hợp đồng với chủ dự án cũ. Huyện Hưng Hà phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát mặt bằng quy hoạch, các hạng mục công trình, huy động nguồn xã hội hóa trồng cây xanh khuôn viên và tại các khu vực đất chưa sử dụng, trong đó giao khoán cho Hội Sinh vật cảnh huyện Hưng Hà chăm sóc toàn bộ cây xanh trong khuôn viên Khu lưu niệm, góp phần khai thác và sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả nhất. 

Một hạng mục của Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn đang được thi công. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng biểu dương và ghi nhận tấm lòng của những người con Thái Bình đang công tác và làm việc xa quê hương đã tích cực hưởng ứng và có đóng góp tích cực nhằm cụ thế hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư trên một số lĩnh vực của tỉnh. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Thái Bình tiếp tục nhận các nguồn xã hội hóa trong tôn tạo, quản lý các khu di tích lịch sử văn hóa... từ các tổ chức hội, đoàn thể, các cá nhân, doanh nghiệp...

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Hồng An. 

Đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng và mô hình trồng mít trên vùng đất bãi tại xã Hồng An, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc một số địa phương, doanh nghiệp và người dân chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của các mô hình này rất rõ nét, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và một số cây trồng khác. 

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các địa phương phải quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa; đồng thời, có quy hoạch và đầu tư hợp lý để bảo đảm sản phẩm đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp phải tạo liên kết giữa quá trình sản xuất với tiêu thụ, sản xuất với chế biến nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng liên quan sớm tổng kết, nhân rộng các mô hình, xác định đây là một trong những hướng đến cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp trong thời điểm khắc phục bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Cùng với việc bảo toàn đàn lợn hiện có, giải phóng đàn lợn đã đến kỳ xuất bán, tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh dịch thì việc tập trung phát triển các đàn vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn như gia cầm, thủy cầm, thủy sản... để bù đắp sản lượng thịt thiếu hụt là rất cần thiết. Song song với đó, phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Cây mít cổ dai vàng có trên 100 năm tuổi tại xã Đông Giang. 

Đến tham quan cây mít cổ giống dai vàng bản địa trên địa bàn xã Đông Giang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng trên địa bàn tỉnh Thái Bình có những gen các loại cây trồng rất quý, có giá trị hơn rất nhiều các cây trồng du nhập từ nơi khác về địa phương. Để bảo tồn giống mít dai vàng ở xã Đông Giang, đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp và huyện Đông Hưng sớm có biện pháp giúp gia đình bảo tồn nguồn gen và phát triển giống mít này để trở thành thương hiệu giống mít của Thái Bình.

Tất Đạt