Thứ 7, 28/09/2024, 04:21[GMT+7]

Tiếp tục phát huy giá trị lý luận và giá trị thực tiễn tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 2, 14/10/2019 | 14:11:51
1,380 lượt xem
Sáng ngày 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến: 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết “Dân vận khéo” năm 2019.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy dự hội thảo tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 14102019_dan_van_mixdown.mp3

Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại điện lãnh đạo UBND tỉnh và các ban xây dựng Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Tác phẩm “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh đất nước đang có nhiều chuyển biến mới. Sau khi giành được độc lập, cả nước bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những tàn dư của chế độ cũ. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu nhằm động viên tối đa sức người, sức của phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Chỉ với hơn 600 chữ nhưng tác phẩm “Dân vận” được xem là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng; giải đáp những vấn đề có tính chất căn bản, cấp thiết của công tác dân vận trước những đòi hỏi của Đảng và của lịch sử khách quan đặt ra. Mở đầu tác phẩm Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”. Tiếp đó người nêu và lý giải 4 vấn đề cơ bản, thiết thực trong công tác dân vận: “Nước ta là nước dân chủ”; “Dân vận là gì”; “Ai phụ trách dân vận”; “Dân vận phải thế nào”. Sau 70 năm ra đời, tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cẩm nang cho mọi hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua công tác vận động quần chúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc, công tác dân vận đã gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn và đáng tự hào. Sự nghiệp đổi mới đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia ngày càng có những đóng góp quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Tròn 70 năm sau khi ra đời, tác phẩm "Dân vận" vẫn cho thấy sức sống mạnh mẽ xuyên suốt trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội. Đây thực sự là một di sản quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xu thế hiện nay, trước những biến đổi không ngừng của tình hình trong nước và quốc tế, công tác dân vận tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. 

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn những giá trị của tác phẩm khi vận dụng vào thực tiễn đời sống trên quan điểm, tư tưởng của Người; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả tư tưởng “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận làm rõ thêm những kết quả nổi bật của ngành và địa phương mình đã đạt được thông qua thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng. 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là dịp để mỗi chúng ta tiếp tục nhận thức đúng, đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Dân vận” của Bác mà còn làm sâu sắc hơn tư tưởng của Người về công tác dân vận, vận động quần chúng của Đảng trong tình hình hiện nay. Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận và thực tiễn, ý nghĩa sâu sắc nội dung tác phẩm “Dân vận” của Bác trong công tác dân vận thời gian tới, đồng chí đề nghị cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực; lấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu hoạt động. Phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức (giao tiếp trực tiếp, qua báo chí, qua mạng xã hội) để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích của các dự án công trình kinh tế - xã hội đem lại cho dân, cho nước; không để các thế lực thù địch chiếm giữ trận địa này gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân; phải nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư của người dân. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và hoạt động chuyên môn; đảng viên đi trước, làng nước theo sau; phải trọng dân, trung thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ dân vận phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Để tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm, những việc lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của tập thể cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên. Chú trọng nhân rộng các tấm gương, cá nhân điển hình trong công tác dân vận.

Cũng tại hội thảo, Ban Dân vận Trung ương đã trao thưởng cho 50 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 của năm 2019.

Đào Quyên


  • Từ khóa