Thứ 7, 23/11/2024, 10:23[GMT+7]

Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2012) "Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi"

Thứ 5, 17/05/2012 | 16:54:03
1,346 lượt xem
Thế là tháng Năm lại về. Tháng 5 với đầy ắp những sự kiện chính trị trọng đại. Với mỗi người Việt Nam, tháng 5 đi vào tiềm thức các thế hệ có ngày sinh nhật Bác. Năm nay, kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Người, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI), như trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969). Ảnh tư liệu

Với Thái Bình, mảnh đất nơi đầu sóng, đã có đến 5 lần Bác về thăm. Không những thế, vào năm 1905, khi Người mới lên tuổi 15, đã theo cha về huyện Kiến Xương để đàm đạo với các sĩ phu yêu nước về thời cuộc. Hình ảnh con người Thái Bình hẳn là đã khắc sâu trong tâm trí của Người, để đến khi trở thành Chủ tịch nước, nghe tin đê Đìa (Hưng Nhân) bị vỡ, Bác đã về tận nơi thăm hỏi, động viên nhân dân, cán bộ, đảng viên nhanh chóng khắc phục khó khăn, đắp nhanh đoạn đê bị vỡ. Người dặn: “Đắp xong đê, tôi lại về thăm”. Ba tháng sau, ngày 28-4-1946, trong bộn bề công việc của một đất nước vừa giành được độc lập; hậu quả của nạn đói năm 1945 để lại rất nặng nề, thù trong, giặc ngoài lăm le nơi bờ cõi... Bác lại về thăm Thái Bình lần thứ 2. Chính ở thời điểm này, ở địa danh xã Hồng An này, Người đã dặn lời bất hủ: “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Ngày 26-10-1958, Bác về thăm Thái Bình lần thứ ba. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình, Bác đến thăm các chuyên gia Trung Quốc làm việc tại công trường Nhà máy xay; dự Đại hội sản xuất Đông Xuân của tỉnh. Tại sân vận động thị xã, nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân Thái Bình, Người biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà quân và dân Thái Bình đạt được, nhắc nhở một số điểm cần khắc phục như: vấn đề tiết kiệm chủ quan, tự mãn. Cuối cùng, Người kết luận “Thái Bình có nhiều điều thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”. Làm theo lời Người dặn, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nỗ lực thi đua xây dựng hợp tác hóa và có điểm sáng trong nông nghiệp, trở thành đơn vị điển hình như: HTX Vũ Thắng (Kiến Xương).

Đầu những năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội III của Đảng, được biết Thái Bình có  phong trào lấn biển khai hoang và đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26-3-1962, Bác về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải) nơi đang triển khai chủ trương “3 mũi tiến quân”. Người ân cần căn dặn cán bộ địa phương phải lo nước sạch để bà con không bị đau mắt. Nói chuyện với nhân dân, Bác nói: Muốn ăn cam phải trồng cam; trồng cây lấy gỗ để làm nhà. Người đến thăm Hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, gặp gỡ các đại biểu đang họp tại Đông Lâm. Bác khen ngợi nhân dân Thái Bình có nhiều cố gắng trong tăng vụ, vỡ hoang, làm thủy lợi, phân bón. Thay mặt Trung ương, Người giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên tỉnh Thái Bình phải xây dựng Thái Bình thành một trong những tỉnh khá nhất về mọi mặt và tặng 14 Huy hiệu của Người cho 14 chiến sỹ thi đua về lao động sản xuất trong toàn tỉnh.

Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Để chia lửa với chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc vừa chắc tay cày, vừa chắc tay súng, chiến đấu dũng cảm và lao động sản xuất hăng say. Thái Bình trở thành điểm sáng: giành năng suất cao nhất -5 tấn thóc/ha. Đêm cuối của năm 1966, Người đã về Tân Hòa (Vũ Thư), sáng 1-1-1967 nói chuyện với  nhân dân, Bác khen ngợi Thái Bình giành năng suất lúa cao. Người dặn: Xây dựng Thái Bình thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Trong một buổi nói chuyện với trên 100 cán bộ, đại biểu đại diện cho 4 vạn đảng viên của HTX Tân Phong và Hiệp Hòa về đón Bác, Người nói nhiều về sản xuất nông nghiệp, nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải cố gắng hơn nữa, không nên chủ quan tự mãn.
Đó là lần cuối cùng Người dành tình cảm thân thương cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình để hai năm sau, ngày 2-9-1969 Người mãi mãi đi xa.

Khắc ghi những lời dặn của Bác, tất cả những nơi Người đến thăm đều đã thực hiện trọn vẹn lời dặn của Người. Hồng An trở thành xã đạt cánh đồng 50 triệu/ha đầu tiên của tỉnh và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động. Nam Cường, giờ không chỉ có nhà tranh, tre, gỗ... mà rất nhiều nhà mái bằng, cao tầng đã mọc lên. Xây dựng được nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, xuất hiện nhiều tỷ phú nuôi ngao, nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Tân Hòa, nơi còn ấm hơi Người trong đêm giao thừa Dương lịch năm 1967 cũng là điểm sáng trong thâm canh lúa giỏi của huyện Vũ Thư; chỉ sau một năm, ngày Bác về thăm năng suất lúa đạt 7- 8 tấn/ha. Thị xã Thái Bình đã trở thành đô thị, sánh vai nhiều thành phố khác trong cả nước và đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới và công cuộc CNH- HĐH; xây dựng thành phố Sáng- Xanh- Sạch - Đẹp, trung tâm kinh tế- văn hóa của cả tỉnh.

Nhớ lời dặn của Người: Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh luôn chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn sự đoàn kết và tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; hiệu lực, hiệu quả của chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội. Thái Bình đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở mức cao nhất, hy sinh nhiều và vinh quang cũng lớn. Là địa phương đi đầu trong thâm canh tăng năng suất lúa từ 5 tấn lên 10 tấn và bây giờ là 13 tấn/ha. Thái Bình lúc nào cũng là tỉnh đi tiên phong trong các phong trào thi đua: Xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu; xây dựng nông thôn mới. Từ một tỉnh không nằm trong các địa phương làm thí điểm, Thái Bình đã cống hiến cho cả nước kinh nghiệm quý và cách làm nông thôn mới. Một vùng đất địa linh nhân kiệt, thời nào cũng xuất hiện người tài cho đất nước. Các vương triều Trần dựng nghiệp và làm nên cơ đồ lớn. Nhiều danh nhân, tướng tài đã xuất hiện ở những thời khắc quyết định của lịch sử. Phải chăng do định mệnh hay do tố chất khao khát độc lập của người Thái Bình...đã khắc họa nên chân dung của người con Thái Bình trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Thái Bình khắc sâu  lời dặn của Bác “diệt giặc dốt”, trở thành tỉnh xóa mù chữ sớm nhất và nay đã phổ cập trình độ THCS đúng độ tuổi. Giáo dục của Thái Bình nhiều năm liền đứng ở tốp đầu của cả nước. Không ít con, em Thái Bình đã đem vinh quang về cho quê hương, đất nước, những tấm huy chương vàng, bạc, tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình. Vẫn là một Thái Bình, với tư duy sáng tạo và cách làm độc đáo mới có được “Giờ học toàn tỉnh” để cả nước vận dụng và làm theo.

Dẫu Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã đi xa. Những lời Người dặn xa nhất cách đây 66 năm và gần nhất cũng đã 50 năm. Song, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vẫn “khắc cốt, ghi tâm” và lúc nào cũng tâm nguyện “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa