Thứ 7, 23/11/2024, 10:36[GMT+7]

Ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Thứ 3, 22/05/2012 | 07:36:19
1,289 lượt xem
Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thành tốt chương trình đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội (QH) và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới và tổ chức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Tại lễ khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

Hôm qua, ngày 21-5, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, đúng 9 giờ,  QH khai mạc trọng thể kỳ họp thứ ba, khóa XIII.  Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; nhiều vị khách mời; các vị đại biểu QH các khóa trước; đại diện các Ðoàn ngoại giao tại Hà Nội.

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các vị đại biểu QH, các vị trong Ðoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thành tốt chương trình đã đề ra, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới và tổ chức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Chủ tịch QH đề nghị, các vị đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011; tình hình thực hiện nhiệm vụ bốn tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012.

Báo cáo cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, số doanh nghiệp bị giải thể, đình đốn sản xuất tăng cao, nhiều lao động mất việc làm, thiên tai, dịch bệnh tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong bốn tháng đầu năm 2012 đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu.

Phó Thủ tướng đã nêu lên những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức đang đặt ra và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2012. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012 mà QH đã đề ra, gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 và lần thứ 5 khóa XI của Ðảng, tạo tiền đề phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm sau. (Toàn văn bản Báo cáo đăng trên số báo hôm nay).

Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Báo cáo nêu rõ: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, QH  khóa XIII, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ QH  đã tập hợp được hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH.

Ðồng chí cho biết, cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ vui mừng vì những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Kinh tế vĩ mô được cải thiện một bước; xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay".

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao. Sản xuất, đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.

Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây: Kiến nghị QH, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước; bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý. Giải quyết triệt để những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài và chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Báo cáo nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 là rất quan trọng, là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ðề cập tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, báo cáo cho rằng, trong bốn tháng đầu năm, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ðảng, QH; tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh. Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của QH đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động.

Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, năng động, có năng lực cạnh tranh

Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

Tờ trình nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 9-11-2011 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương soạn thảo Ðề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

Trong quá trình soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã nhiều lần trực tiếp trao đổi, tham vấn rộng rãi với các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn độc lập, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và các nhà tài trợ có liên quan thông qua các cuộc hội thảo khoa học; đã gửi Ðề án xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đã trình Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra sơ bộ; đã giới thiệu các nội dung cơ bản của Ðề án đến các đại biểu Quốc hội chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã  nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Ðề án.

Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối năm 2030.

Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm: Góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước; Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành và toàn bộ nền kinh tế, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế; Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Ðể bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện Kế hoạch và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần tuân thủ bốn nguyên tắc trong tái cơ cấu kinh tế. Ðề án đã kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế.

Tiếp đó, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế  gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Báo cáo cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Ðề án cần nêu bật các điểm đặc trưng cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời, nhất trí với những đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, những hạn chế, yếu kém đã nêu trong Ðề án.

Tuy nhiên, đề nghị cần phân tích làm rõ nguyên nhân do thể chế chưa phù hợp, chính sách chưa đúng, chưa đủ hay đã có chính sách nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp mới phù hợp hơn, vì hầu hết các nguyên nhân nêu trong Ðề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.

Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với bốn mục tiêu nêu trong Ðề án, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung của việc tái cơ cấu là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đạt được mục tiêu tổng quát tăng trưởng nhanh, bền vững cùng với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, cần có sự đồng bộ giữa Ðề án và các Chiến lược liên quan đã được thông qua.

Trong thời gian làm việc buổi chiều, QH đã nghe: Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Theo nhandan

  • Từ khóa