Thứ 7, 02/11/2024, 18:23[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tại Tổ về Luật sửa đổi của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Xây dựng

Thứ 2, 18/11/2019 | 15:03:12
1,053 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng ngày 18/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) phát biểu tại Tổ.

Audio: 1811_quoc_hoi_mixdown.mp3

Tham gia thảo luận, các vị đại biểu nhận định trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai; thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, Việt Nam đang là một trong 05 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu do vậy các vị đại biểu đồng ý với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để: Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung một số nội dung để cụ thể, thể chế hóa được đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và bảo vệ đê điều như: Đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai“đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển”; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này…

Đối với dự án Luật Xây dựng, các đại biểu cho rằng cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 đã bộc lộ không ít hạn chế, vì vậy cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Việc sửa đổi Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường với 2 nội dung: Một là, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Hai là, thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa