Thứ 7, 02/11/2024, 18:22[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Thứ 3, 19/11/2019 | 16:03:04
1,358 lượt xem
Sáng ngày 19/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thể hiện sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, đầu tư theo hình thức đối tác công tư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông; trong khi đó khung pháp lý về hoạt động này còn chưa đồng bộ, đầy đủ, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc Luật hóa hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Việc ban hành Luật sẽ bảo đảm tạo lập cơ chế thực hiện dự án, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai minh bạch và hiệu quả, góp phần tạo niềm tin thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hữu hạn của Nhà nước như vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư…,

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các điều khoản để tạo sự thống nhất với quy định có liên quan của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,..và nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa một số quy định sau vào dự thảo Luật như: bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà đầu tư với chính quyền địa phương về phối hợp trong giám sát, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình phục vụ các kỳ thanh toán, quyết toán; công khai, tuyên truyền, tạo sự thống nhất với nhân dân về dự án,....; quy định khung về cơ chế tài chính đối với: lãi vay (trong đó, cần chi tiết về lãi vay trong thời gian xây dựng), lợi nhuận và cơ chế hoàn vốn, thời gian hoàn vốn,..

Về một số điều khoản cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung, chỉnh lý như: đề nghị xem xét, phân loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp; quy định về công khai thông tin; quy định về việc lấy ý kiến trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP: đề nghị cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên cổng thông tin của mình ít nhất 60 ngày trước khi  trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ. Ví dụ, các dự án đường giao thông cần lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải, người dân trong khu vực,…; nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những lợi ích mang lại cho người sử dụng, mức phí/giá, thời gian thu, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi,….các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan, chính quyền địa phương hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng; quy định về điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu; về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu; quy định đối với trường hợp dự án PPP phát sinh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; về cơ chế chia sẻ rủi ro;…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa