Thứ 7, 23/11/2024, 07:13[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII Thảo luận về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Thứ 7, 09/06/2012 | 07:06:15
1,133 lượt xem
Ngày 8-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 16. Các đại biểu thảo luận tại hội trường về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu ý kiến tại hội trường.

Hầu hết các ý kiến tán thành với mục tiêu của Ðề án là từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7% đến 8%/năm thời kỳ 2011- 2020. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, đây là vấn đề lớn không thể làm vội vã, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung cụ thể của Ðề án như nguồn lực đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên và các biện pháp giám sát nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình tái cơ cấu.

Huy động nguồn lực của toàn xã hội

Ðề cập nguồn lực phục vụ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) và nhiều đại biểu khác cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế là tái phân bổ nguồn lực của quốc gia và xã hội, nhằm thực hiện hiệu quả nhất những nguồn lực đó. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn lực từ xã hội còn rất lớn, nhưng việc huy động rất hạn chế do chưa có chính sách phù hợp. Các đại biểu này đề nghị, Nhà nước cần xây dựng chính sách nhằm huy động tổng nguồn lực toàn xã hội cho quá trình phát triển. Cùng với đó, cần có chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu và phát triển. Có cùng quan điểm nêu trên, các đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Trương Văn Vở (Ðồng Nai) đề nghị, Chính phủ cần đánh giá và dự báo tác động của việc thực hiện đề án đối với kinh tế - xã hội, từ đó có biện pháp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của đề án có thể gây ra như nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, người lao động không có việc làm.

Cùng với cơ chế huy động nguồn lực, nhiều đại biểu cho rằng cần xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng tăng đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành mũi nhọn, các ngành có lợi thế. Ðại biểu Lê Văn Học (Lâm Ðồng) đề nghị, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể trong việc phân bổ các nguồn lực trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tránh phân bổ dàn trải, lãng phí. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành gây phân tán nguồn lực, hiệu quả thấp, thậm chí thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia. Ðại biểu Nguyễn Ðắc Vinh (Ðác Nông) cho rằng, sử dụng công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là nhu cầu cấp thiết. Do vậy, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng cơ chế để áp dụng công nghệ cao, cũng như tăng cường đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhiều đại biểu đề nghị cần phân tích, đánh giá và xác định cụ thể những lợi thế của nền kinh tế, từ đó khai thác hiệu quả những lợi thế đó trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu ý kiến, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, nhưng đầu tư cho khu vực nông nghiệp vẫn ở mức thấp và nông dân chưa được hưởng lợi tương xứng với sự phát triển nông nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cũng như tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp. Trước mắt, QH và Chính phủ cần hoàn thiện chính sách về đất đai theo hướng giao đất sản xuất nông nghiệp lâu dài cho nông dân.

Liên quan lợi thế của các ngành trong sự phát triển, đại biểu Hoàng Ðăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, chúng ta có lợi thế về kinh tế biển, nhưng hiệu quả khai thác thời gian qua chưa cao. Do vậy, cần quy hoạch và định hướng cụ thể trong việc khai thác cao nhất lợi thế kinh tế biển trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ

Ðể thực hiện Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế đi đúng hướng với hiệu quả cao nhất, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát. Ðại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, cần có sự giám sát chặt chẽ đối với các thành phần kinh tế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, không để xảy ra những sai phạm như tại Vinashin, Vinaline. Có cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ nguồn lực rất lớn, nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh không tương xứng với lợi thế đó. Do vậy, cần có chiến lược phát triển giúp các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển. Ðại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, cần tổng kết hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, từ đó đưa ra mô hình hoạt động và biện pháp giám sát hiệu quả hơn. Các đại biểu này cũng cho rằng, cần có cơ chế tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, tránh tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay.

Ðề cập vai trò của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, cần có chính sách tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia quá trình tái cơ cấu như chính sách ưu đãi thuế, giá thuê đất đai. Ðại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng và có tác động mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, nhằm giúp thị trường tài chính hoạt động minh bạch, hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Ðại biểu này cũng đề nghị, để công tác giám sát được thực hiện có hệ thống và phát huy hiệu quả cao nhất, cần nghiên cứu thành lập ủy ban giám sát đối với việc thực hiện Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại phiên thảo luận, một số thành viên Chính phủ đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm những nội dung trong bản Ðề án. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu ý kiến làm rõ một số nội dung liên quan tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, như: các nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng; việc tham gia của hệ thống ngân hàng vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đó, trong năm 2012, sẽ tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém, thực tế đã xử lý một số ngân hàng theo hướng buộc những ngân hàng này phải tái cấu trúc. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích những ngân hàng đang hoạt động tốt, nhưng muốn sáp nhập để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ phát biểu ý kiến giải trình về một số nội dung liên quan Ðề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty lớn và Ðề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu ý kiến nêu rõ, Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là đề án lớn, quy mô rộng. Những ý kiến của các đại biểu QH phát biểu ở tổ và ở hội trường hôm nay rất xác đáng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đồng tình với những ý kiến của đại biểu QH về việc đưa phát triển du lịch và kinh tế biển vào nội dung của Ðề án. Sau phiên thảo luận, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh Ðề án nói trên.

Theo nhandan

  • Từ khóa